|
Cô ấy đi một mình, bỏ lại đứa con nhỏ mới hơn hai tuổi khiến nó suốt ngày đòi khóc mẹ. Tôi xót con nhưng chỉ sợ nhân nhượng vợ rồi cô ấy được đằng chân lân đằng đầu.
Vợ tôi từ ngày về làm dâu đã có ác cảm với mẹ chồng. Nguyên nhân là chúng tôi “ăn cơm trước kẻng” và để dính bầu. Lúc tôi đưa cô ấy về ra mắt, mẹ tôi nói vì đứa cháu trong bụng nên mới cho cưới chứ đàn bà con gái có bầu trước cũng chẳng phải phường ngoan lành gì. Vợ tôi ấm ức mẹ chồng từ câu nói đó.
Vì điều kiện chưa thể ra riêng nên tạm thời vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ. Mẹ chồng nàng dâu cũng có nhiều cái không hài lòng về nhau. Tính vợ tôi thì có chút bướng bỉnh, việc gì mẹ chồng nói không đúng là cô ấy cãi cho bằng được. Nhiều lần tôi bảo “em thắng mẹ chồng thì được cái gì mà cứ phải gân cổ lên cãi cho bằng được”. Cô ấy nói “Không cãi, mẹ tưởng em ngu ngơ dốt nát rồi bắt nạt”.
Phải ở vào tình cảnh mẹ và vợ không hòa hợp mới hiểu hết nỗi khổ của đàn ông. Nghiêng bên nào cũng không xong, bênh bên nào cũng dở. Thi thoảng tôi cũng nhỏ nhẹ với mẹ, rằng vợ tôi nói gì không đúng thì mẹ hãy rộng lượng bỏ qua. Mẹ bảo tôi “bỏ qua cho nó, riết rồi nó trèo lên cổ tao nó ngồi à?”. Cuộc chiến trong nhà tuy không ồn ào khốc liệt nhưng vô cùng mệt mỏi.
Rồi hôm vừa rồi, trong lúc cả nhà ngồi xem ti vi, mẹ tôi có khen cô dâu con bà hàng xóm. Mẹ tôi có cái tính, thấy con nhà người ta có gì hay là đem về nhà kể, ý như ám chỉ cho vợ tôi biết là cô ấy không bằng con nhà người ta. Mẹ chồng kể cô con dâu nhà bà hàng xóm ngoan hiền nết na. Hôm rồi mẹ chồng đi viện, cô ấy xin nghỉ phép một tuần liền chăm sóc bà ấy chu đáo hơn cả con gái. Rồi mẹ tôi khen bà hàng xóm tốt số, chắc kiếp trước đường tu tốt nên kiếp này có con dâu hiếu thảo.
Vợ tôi nghe xong, không ngần ngại phán một câu: “Phải mẹ chồng tốt với cô ấy thì cô ấy mới thương mẹ chồng chứ. Đời là vậy, thương người thì người thương lại, chứ ngẫm cho cùng mẹ chồng với nàng dâu có anh em họ hàng bà con gì đâu, cũng chỉ là người dưng nước lã. Người lớn không tốt, dạy làm sao được trẻ con”.
Mẹ tôi nghe xong thì xem ra nóng mặt mày, bảo phận dâu con, chăm sóc mẹ chồng chu đáo là đúng, là nghĩa vụ, là trách nhiệm. Mẹ chồng không đẻ ra mình nhưng đẻ ra chồng mình, không có mẹ chồng thì chồng dưới đất chui lên cho mình lấy chắc.
Tôi biết hai người bắt đầu khẩu khí, không khí trong nhà đã nhuốm mùi ngột ngạt. Tôi bảo vợ cho con đi ngủ đi, nói ba bốn lần cô ấy vẫn ngồi đấy, xong rồi như chưa đã mồm còn bảo: “Có nhiều bà mẹ chồng, lúc còn khỏe cậy mình có sức suốt ngày chửi bới làm khó con dâu, đến khi ốm đau nằm một chỗ rồi biết. Chẳng qua lấy chồng thì phải gọi mẹ chồng bằng mẹ chứ con dâu với mẹ chồng đâu có bà con chi”.
Tôi thấy mẹ tôi mắt bắt đầu ầng ậc nước, bực bội nổi lên liền tát cho ấy một cái “đã bảo cho con vào đi ngủ, sao cứ lắm mồm thế hả”. Chỉ có vậy mà cô ấy bỏ con đó, xách quần áo lấy xe về nhà ngoại, mặc kệ thằng bé khóc đòi. Trước khi đi còn nói lúc nào tôi sang nhà xin lỗi cô ấy mới về.
Tôi biết, không phải nhà nào quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng tốt, nhưng con cái thì đôi khi phải nhẫn nhịn một chút cho yên cửa yên nhà. Đằng này vợ tôi cứ phải nói đến khi lẽ phải thuộc về mình, người nghe ấm ức nổi điên mới chịu. Ai đời có nàng dâu nào dám đứng trước mặt mẹ chồng, nói mẹ chồng chỉ là người dưng.
Mấy hôm nay con tôi nhớ mẹ, đêm đến cứ khóc đòi. Mẹ tôi thì nhất định không để tôi gọi điện bảo vợ về, nói tôi “mày mà cứ nhân nhượng, rồi dần nó không coi ai ra gì hết, xem nó ở được bên đó thì cho ở luôn, xem rồi ai phải xin lỗi ai”.
Mệt mỏi, đó là tâm trạng của tôi lúc này. Chuyện vốn chẳng có gì, vậy mà chỉ vì vợ tôi lắm lời thành ra nông nỗi. Làm thế nào để “cải tạo” vợ, để cô ấy bớt nói đi, bớt gây chuyện đi. Chứ cứ tình hình thế này, không dám chắc là tôi sẽ không còn đánh vợ nữa, cô ấy quá đáng lắm mà.