Tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán cho thấy, tại ngày 31/12/2018, Vingroup có 67 công ty con và sở hữu một số khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Theo thuyết minh BCTC thì trong năm 2018, Vingroup đã thực hiện một loạt thương vụ đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp:
Cụ thể, Vingorup đã mua thêm 13,5% cổ phần trong Công ty Vinhomes Quản lý với tổng giá phí 605 tỷ đồng (sau khi cấn trừ cổ tức) vào 11/1/2018. Sau đó, Vinhomes Quản lý được sáp nhập vào Công ty CP Vinhomes, công ty con của Vingroup. Theo hợp đồng sáp nhập, Vinhomes đã phát hành thêm 381,5 triệu cổ phiếu với tổng mệnh giá 3.815 tỷ đồng để hoán đổi lấy 381,5 triệu cổ phiếu của Công ty Vinhomes Quản lý. Vốn chủ sở hữu của Vinhomes theo đó tăng thêm 3.815 tỷ đồng.
Tổng giá phí hợp nhất kinh doanh là 3.429 tỷ đồng bao gồm 605 tỷ đồng đã được thanh toán bằng tiền, 2.061 tỷ đồng là giá trị hợp lý được xác định của phần tỷ lệ lợi ích của tập đoàn trong các công ty con bị giảm do giao dịch sáp nhập này và 763 tỷ đồng là giá tị hợp lý của khoản đầu tư của tập đoàn vào 18,6% cổ phần trong Vinhomes Quản lý trước đây.
Ông Phạm Nhật Vượng khiến công chúng không ít lần ngỡ ngàng vì các quyết định đầu tư, mở rộng phạm vi kinh doanh |
Tháng 1/2018, Vingroup mua 24% cổ phần của Công ty Việt Thắng với giá phí 301 tỷ đồng, đến tháng 9/2018 thì mua thêm 16% cổ phần Việt Thắng với giá phí 200 tỷ đồng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp lên 40%. Giá trị hợp lý được xác định của các tài sản và nợ phải trả có thể xác định của Việt Thắng tại ngày mua là 782 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 1/2018, Vingroup hoàn tất việc mua 9.000 cổ phiếu của VINFA, tương đương với 3% cổ phần của công ty này. Chỉ ít ngày sau (1/2/2018), Vingroup góp thêm 443 tỷ đồng vào VINFA, theo đó VINFA trở thành công ty con của Vingroup với tỷ lệ sở hữu 96,39%. Hoạt động chính của VINFA là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm.
Tổng giá phí hợp nhất kinh doanh của VINFA ở mức 443,4 tỷ đồng được thanh toán bằng tiền. Trong năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của VINFA được cho là “không trọng yếu”.
Cuối tháng 2/2018, Vingroup mua 100% phần vốn góp của Công ty Phát Lộc từ 2 cá nhân với tổng giá phí là 406,5 tỷ đồng – doanh nghiệp này được cho biết đang sở hữu một dự án bất động sản tiềm năng tại Q.Bình Thạnh, TPHCM.
Đầu tháng 10/2018, Vingroup mua 100% cổ phần của Công ty Đầu tư Nhất Nam với tổng giá phí 1.412 tỷ đồng – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart. Đến 31/12/2018, Vingroup đã thanh toán 1.262 tỷ đồng cho thương vụ này. Lỗ trước thuế của Nhất Nam từ đầu năm 2018 đến ngày mua là 558 tỷ đồng. Vào ngày 18/10/2018, Công ty Đầu tư Nhất Nam và công ty con được sáp nhập vào Vincommerce, đơn vị đang quản lý chuỗi siêu thị Vinmart của Vingroup.
Thông tin tại BCTC cũng cho thấy, vào ngày 4/12/2018, Vingroup đã mua 100% cổ phần của Công ty General Motors Việt Nam – một doanh nghiệp sản xuất xe có động cơ, với tổng giá phí 919,4 tỷ đồng. Đến 31/12/2018, Vingroup vẫn đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý tại ngày mua của tài sản, nợ phải trả hoặc nợ tiềm tàng có thể xác định được của General Motors Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế của General Motors Việt Nam từ 1/1/2018 đến ngày mua là 184 tỷ đồng và chỉ trong chưa đầy 1 tháng (từ ngày mua đến 31/12/2018), công ty này có lãi 24,4 tỷ đồng.
Một thương vụ đáng chú ý khác là việc thành lập liên doanh Vinfast – An Phát với tổng vốn điều lệ 420 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn góp của Vinfast là 210 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2018, Vingroup đã góp 30 tỷ đồng vào liên doanh này.
Tháng 8/2018, Vingroup đã mua 100% cổ phần Công ty Viễn Thông A từ các cá nhân và một đối tác doanh nghiệp với tổng giá phí 39 tỷ đồng, đưa Viễn Thông A trở thành một công ty con của tập đoàn. Hoạt động chính của Viễn Thông A là kinh doanh và bán lẻ điện thoại di động, máy tính và các phụ kiện điện tử.
Vingroup cho biết, lỗ trước thuế của Công ty Viễn Thông A từ 1/1/2018 đến ngày mua là 226 tỷ đồng. Vào ngày 30/11/2018, Viễn Thông A được sáp nhập vào Vinpro, một công ty con của Vingroup.
Đáng chú ý, bước sang năm 2019, một công ty con của Vingroup là VinTech đã mua 51% phần vốn góp tại Công ty TNHH Mundo Reader (công ty chủ quản của BQ) với tổng giá trị chuyển nhượng 35,7 triệu EUR. Đây là đối tác của Vingroup trong việc thiết kế nên chiến smartphone Vsmart Active 1. Mới đây, điện thoại của VinSmart đã xuất hiện tại thị trường Tây Ban Nha.
Hiện tại, Vingroup đang là doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị vốn hoá đạt 370.866 tỷ đồng.
Nhờ giá cổ phiếu VIC trên thị trường liên tục tăng mạnh nên khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup cũng tăng theo. Tính đến hôm nay, theo ghi nhận của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng có 7,7 tỷ USD, tuy giảm so với cuối tháng 3 song vẫn cao hơn 1,1 tỷ USD so với thời điểm Forbes công bố danh sách người giàu thế giới năm 2019 vào ngày 5/3.
Thị trường chứng khoán phiên sáng nay (1/4) tạm khép lại với mức tăng 3,99 tương ứng 0,41% tại VN-Index, ghi nhận đạt 984,75 điểm và tại HNX là 0,2 điểm tương ứng 0,19% lên 107,64 điểm.
Trên toàn thị trường, số mã tăng giảm khá cân bằng với 297 mã giảm, 46 mã giảm sàn và 262 mã tăng, 32 mã tăng trần.
Thanh khoản tuy vậy lại rớt mạnh. Khối lượng giao dịch đạt 82 triệu cổ phiếu tương ứng 1.651,04 tỷ đồng trên HSX và 14,67 triệu cổ phiếu tương ứng 162,94 tỷ đồng.
Sáng nay, VNM, MSN, VCB, VHM là những mã có tác động tích cực đến VN-Index, trong đó riêng VNM đóng góp 1,27 điểm cho chỉ số chính. Ngược lại, nhóm cổ phiếu VJC, CTG, ROS, HPG giảm giá lại phần nào kìm hãm đà phục hồi của VN-Index.