Cả ngày 13-5, tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Tham nhũng bảo kê tội phạm
Cử tri quận Ba Đình, ông Trần Viết Hoàn, bày tỏ công cuộc chống tham nhũng với việc xử lý nhiều quan chức vơ vét, đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính… đã làm nức lòng dân. Tuy nhiên, qua các vụ án lớn, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ thời gian rồi, có thể thấy nhiều vụ phạm tội diễn ra từ rất nhiều năm trước nhưng chậm xử lý.
Từ đó, cử tri Hoàn đặt một loạt câu hỏi: "Phải chăng Đảng buông lỏng kiểm tra, thanh tra và liệu có người chống lưng? Phải chăng công tác quản lý cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, trong đó có việc đưa cán bộ vào cấp chiến lược nói riêng, còn quá xem nhẹ?".
Ông Hoàn cũng nêu thực trạng những vụ án, vụ bị xử lý kỷ luật thời gian gần đây đều rơi vào cán bộ cấp cao ở trung ương, địa phương, bộ, ngành. Điều đó cho thấy tham nhũng đã "leo đến bậc thang cửa quyền".
Cử tri Đặng Đức Quy (quận Tây Hồ) thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số tướng lĩnh của Bộ Công an bị khởi tố và bắt tạm giam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Ngay cả ở những lĩnh vực cao nhất kiểm soát tội phạm của quốc gia, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu thì cũng khó tránh khỏi sự tha hóa quyền lực. "Điều nguy hiểm là người đứng đầu cơ quan cảnh sát điều tra quốc gia lại là người bảo kê cho tội phạm, người đi thanh tra đại diện cho công lý lại bị cám dỗ bởi vật chất. Hỏi rằng có giữ được cán cân công lý hay không, nhân dân biết tin vào đâu?" - ông Quy nói.
Cử tri Đỗ Văn Hạnh (quận Tây Hồ) cảnh báo kẻ thù tham nhũng là những cá nhân, những đảng viên có chức có quyền, nắm tiền, chi phối điều hành, quản lý đất nước, xã hội. Cho nên, chống tham nhũng là đánh vào những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, suy đồi đạo đức, lối sống. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cử tri vào ngày 13-5 |
Trót nhúng chàm, phải gột rửa
Trước nhóm vấn đề chính được cử tri nêu ra là đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác chống tham nhũng rất quan trọng, cần làm quyết liệt nhưng không phải "nhăm nhăm chống". Ngược lại, "không chỉ chống mà lâu dài là phải xây". "Chúng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe đừng xảy ra tham nhũng. Nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi là tốt nhất. Xử không phải cứ tử hình, chung thân cho nhiều mà cái chính là phải thu hồi được tài sản, giáo dục, răn đe, ngăn chặn cảnh tỉnh để người khác không đi vào vết xe đổ mới là thành công. Vừa kiên quyết vừa phải nhân ái, nhân đạo… chứ không phải đánh cho một đòn chết tươi" - Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư cũng đồng tình với quan điểm chống tham nhũng là chống giặc nội xâm và là cuộc chiến rất khó khăn, phức tạp. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu, kể cả thời chiến và thời bình nhưng ở các mức độ khác nhau. "Trước đây, chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra chứ không phải không làm. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng được, không ai có thể đứng ngoài cuộc" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với những ý kiến lo lắng, băn khoăn rằng chống tham nhũng, xử lý cán bộ như vừa qua sẽ làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên. Song, theo Tổng Bí thư, bao che cho cán bộ mới chính là làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng. "Ngày xưa làm nhỏ lẻ, không công khai hay chỉ công khai được phần nào. Nhưng bây giờ không thể không công khai và như tôi nói công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Phải phanh phui nó ra, cắt bỏ nó đi thì mới chống được tệ nạn" - Tổng Bí thư nói thêm.
Đáng lưu ý, Tổng Bí thư cũng thông tin tới các cử tri rằng còn rất nhiều vụ việc chống tham nhũng tiếp tục phải làm theo chương trình, kế hoạch vạch sẵn. Tinh thần là làm từng bước chắc chắn, làm để củng cố niềm tin, làm để giữ ổn định; không phải làm để nội bộ có tình trạng lục đục. "Bên ngoài xuyên tạc phe nọ đánh phe kia. Chẳng hạn như nói đây là "đánh nhau về chính trị" chứ không phải chống tham nhũng. Nghe như thế là nguy hiểm! Không đánh ai trong nội bộ..." - Tổng Bí thư nói.