Chủ tịch Quốc hội: Tăng thuế xăng dầu thời điểm này không thuận

Admin
Trước đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên gấp đôi, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Trong tình hình hiện nay, việc chúng ta đưa ra vấn đề tăng thuế suất là không thuận.

Tờ trình của Chính phủ tới UB Thường vụ Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) chiều nay cho thấy, Chính phủ đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên từ 3.000-8.000 đồng/lít.

Thuế xăng dầu được đề nghị tăng gấp đôi

Theo đề nghị, khung thuế BVMT đối với xăng dầu mức thuế tối thiểu điều chỉnh tăng bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng, còn mức thuế tối đa điều chỉnh tăng bằng 2 lần mức tối đa trong khung thuế hiện hành.

Riêng đối với dầu hỏa, Chính phủ đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành (300-2.000 đồng/lít) vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ người nghèo.

 Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

UB Tài chính Ngân sách cho rằng xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cho toàn xã hội, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân. Mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu hiện nay vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần đã được quy định tại luật hiện hành.

"Trong khi thông điệp của Chính phủ là tạo điều kiện, tăng tính cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị điều chỉnh chính sách thuế một cách đột ngột như dự thảo tờ trình là chưa thực sự phù hợp", Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Thường trực UB đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học để đề xuất nâng mức trần khung đối với xăng, dầu lên gấp 2 lần như dự luật, đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng thuế này.

UB cũng yêu cầu, việc điều chỉnh tăng phải phân kỳ, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, sức chịu đựng của người dân và DN.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị khung thuế suất với túi ni lông điều chỉnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên mức 40.000-200.000 đồng/kg.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mức tăng như vậy sẽ tạo tâm tư cho người dân. Ông cũng cho rằng, còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, nếu đưa ra Quốc hội sẽ khó thuyết phục.

Theo ông, một số giải trình của Bộ trưởng Tài chính “nghe cũng có lý”, nhưng “cái lý ấy chưa thuyết phục được UB Thường vụ Quốc hội”.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, cần tính đến các phương thức quản lý thu tốt hơn, giải quyết tồn đọng thuế, trốn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại để khai thác thêm nguồn thu ngân sách

“Trong tình hình hiện nay, việc chúng ta đưa ra vấn đề tăng thuế suất là không thuận. Thủ tướng đang mong muốn tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân làm ăn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tranh cãi việc đánh thuế smartphone

TVQH cũng thảo luận về việc mở rộng đối tượng bị đánh thuế BVMT.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, qua rà soát kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, Bộ đề nghị mở rộng thêm 4 loại đối tượng chịu thuế.

Đó là thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng; phân bón vô cơ; sản phẩm tẩy rửa có sử dụng hóa chất hoạt động bề mặt và phương tiện cá nhân như ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe gắn máy.

 Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo

Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế ngoài túi nilông, xăng dầu.

“Đề nghị đánh thuế việc sử dụng than, lốp xe, ắc quy, máy tính, smartphone, chất tẩy rửa có sử dụng chất hoạt động bề mặt. Bởi lẽ chúng ta đánh thuế sẽ tác động tích cực trong tổ chức sản xuất lại, đặc biệt là chất tẩy rửa, người ta sẽ phải thay đổi chất hoạt động bề mặt”, ông nói.

Đề xuất này cũng được đề cập trong quá trình thảo luận xây dựng dự luật trước đó. Theo giải trình của Chính phủ, việc bổ sung một số hàng hóa này vào đối tượng chịu thuế BVMT trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, Thường trực UB Tài chính đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, lựa chọn những sản phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường được sử dụng phổ biến để bổ sung vào diện chịu thuế.

Giải trình lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc lựa chọn bổ sung đối tượng chịu thuế phải phù hợp thực tế và đảm bảo khả thi. Trên thực tế, có một số loại hàng hóa khi sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường, đa số khi sử dụng và thải bỏ đều gây tác hại và hiện có khoảng 550.000 mặt hàng như vậy.

“Thứ trưởng Bộ TN&MT vừa nói thế nhưng hôm qua tại họp với đại diện Bộ KH-CN, TM&MT, các bên đều khẳng định việc bổ sung một số hàng hóa hiện nay là không khả thi. Chính các bộ khẳng định như thế”, ông Dũng nói.

“Một dự án luật sửa đổi còn nhiều ý kiên khác nhau quá rất khó cho UB Thường vụ có ý kiến. Đề nghị Bộ Tài chính về báo cáo Chính phủ chuẩn bị kỹ thêm”, Chủ tịch QH yêu cầu.