Chùa Bái Đính được biết đến là một ngôi chùa có quy mô lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam hiện nay
Quần thể chùa Bái Đính có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539 ha bao gồm 27 ha khu chua Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 và các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị… Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi kỳ vĩ.
Cách Hà Nội 95 km, chùa Bái Đính tọa lạc trên dải đất linh thiêng “núi gối đầu sông, mây vờn non đỉnh” tại thôn Sinh Dược, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Đây là một điểm đến nổi tiếng, hàng năm thu hút rất đông du khách về tham quan.
Quần thể chùa Bái Đính
Nhìn bằng mắt thường du khách cũng đã thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ của công trình Phật giáo này. Kiến trúc khu chùa Bái Đính mới nổi bật với những hình khối lớn, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Cổng chùa Bái Đính
Điện Pháp Chủ là một công trình kiến trúc đồ sộ trong quần thể chùa Bái Đính. Gồm có 5 gian, gian giữa rất rộng. Ở gian giữa, trên bệ cao Đặt pho tượng đồng nguyên khối cao 10 m, nặng 100 tấn. Đây là pho tượng đồng lớn nhất Châu Á.
Pho tượng Phật đúc đồng lớn nhất châu Á tại chùa Bái Đính
Từ điện Pháp Chủ, du khách đi tiếp hành trình tới điện Tam Thế. Đây là công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ nhất trong các công trình ở Bái Đính và cũng là điện thờ Phật lớn nhất ở nước ta hiện nay. Điện Tam Thế với 3 tầng mái cong và 12 mái ở 4 phía, cao 30m. Trong điện Tam Thế có đặt 3 pho tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi pho nặng 50 tấn. Điện Tam Thế uy nghi của chùa Bái Đính
Tháp chuông trong chùa Bái Đính nằm trên đồi cao. Điều đặc biệt của tháp chuông ở Bái Đính mà có lẽ không ngôi chùa nào ở Việt Nam có được đó là trên nền gác chuông được đặt 1 chiếc trống đồng và kích cỡ, khối lượng lớn nhất Việt Nam, nặng 70 tấn. Đại Hồng Chung đặt ở tháp chuông nặng 36 tấn được xác nhận là chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Khung cảnh khu tháp chuông đầy thơ mộng tại chùa Bái Đính
Toàn bộ khuôn viên chùa Bái Đính mới được thiết kế hài hòa, gắn với thung lũng cao, hồ nước, không gian cây xanh với những khu vườn thoáng. Tất cả đã tạo ra một sự kết hợp hài hòa của không gian kiến trúc chùa chiền bao la, tĩnh lặng và thoát tục bởi tiếng chuông chùa ngân nga, siêu thoát. Chếch về phía sau, bên sườn trái là Bái Đính cổ tự trầm mặc, uy nghiêm. Chùa Bái Đính trầm mặc, uy nghiêm
Các chi tiết trang trí ở chùa Bái Đính cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam với sự đóng góp công sức của 500 nghệ nhân và rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Mộc Phúc Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên.
Chùa Bái Đính cũng là ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam và hành lang La Hán dài nhất châu Á, dài gần 3 km. Ngoài ra, chùa Bái Đính còn có tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, nặng 80 tấn…. Những kỷ lục được xác lập tại quần thể chùa Bái Đính đã tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với mọi du khách mỗi lần hành hương, chiêm bái nơi linh thiêng này. Pho tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á uy nghi giữa đất trời
Dãy hành lang tượng La Hán nổi bật trong chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ trên đỉnh núi hùng vĩ phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bao la, ta sẽ thấy tâm hồn thật thư thái. Đặc biệt, đứng trước các pho tượng Phật du khách sẽ có cảm giác được che chở và thấm nhuần tư tưởng từ, bi, hỉ, xả của ngài.
Tác giả bài viết: Linh Linh