Giáo dục

Chuyên gia mách nước cách học tốt Lịch sử và tiếng Anh

Nhìn vào tình hình học lịch sử và tiếng Anh nước nhà hẳn không ít người sẽ thốt lên: “Rồi tương lai đất nước sẽ đi về đâu khi học sinh dốt lịch sử và mù tiếng Anh?”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 chỉ 8.954 em (chiếm gần 12%) học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn. Có rất nhiều trường không có thí sinh (TS) nào đăng ký môn Lịch sử.

Theo phổ điểm môn tiếng Anh của các thí sinh thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Trong 472.000 bài thi, 10 bài đạt điểm 10; 2.444 bài đạt trong khoảng 9-10 (chiếm 0,52%). Điểm trung bình là 3,48. Điểm nhiều nhất là 2,4.

Kỳ vọng lịch sử được đặt đúng vị trí

Trong một hội nghị về học lịch sử tổ chức tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, có một nhà sử học từng nói, trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu rộng vào thế giới để không “hòa tan” chúng ta phải thuộc lịch sử nước nhà. Để giao tiếp, làm việc với các quốc gia chúng ta cần ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Ấy vậy cả 2 điều đó chúng ta đều kém. Vậy làm sao chúng ta có thể hội nhập thành công?

vu minh giang 70 1470118332
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Đưa Tin, GS TS Vũ Minh Giang - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua câu chuyện học sinh không chọn thi môn lịch sử là một tình trạng đáng báo động. Lịch sử không chỉ là môn học thông thường, theo cái nghĩa chỉ là kiến thức mà còn giúp cho mỗi cá nhân trong dân tộc hiểu được đất nước mình. Nó là môn học tự nhận thức".

"Qua môn Lịch sử, sẽ giúp cho người học dung dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước. Đây chính là nội lực trong dân tộc, đồng thời cũng là nền tảng chúng ta phát huy được thế mạnh của mình" - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

"Tầm quan trọng của việc học lịch sử là như vậy, nhưng tại sao chúng ta chưa đặt nó đúng mức? Đó là hệ quả của một quá trình dài khi những người làm giáo dục chưa nhận thức đầy đủ được nó. Còn về mặt phương pháp dạy và học, quá thiên nặng về lý thuyết dẫn đến người học không muốn học, người dạy chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ.

Với những quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, tôi kỳ vọng rằng Lịch sử sẽ được đặt đúng vị trí của nó. Người dân ai cũng sẽ hiểu được giá trị của lịch sử", ông Giang kỳ vọng.

Lạc hậu trên chính quê hương mình

Cô Nguyễn Thanh Hương – giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội chia sẻ: “Phổ điểm thi môn ngoại ngữ năm 2016 với khoảng 90% học sinh có số điểm tiếng Anh dưới trung bình (dưới điểm 5) cho thấy một thực trạng đáng buồn và đáng suy nghĩ về việc học và dạy ngoại ngữ hiện nay. Với con số này có thể thấy việc học tiếng Anh ở đa số các em học sinh còn rất yếu.

vu minh huong 1470118345
Cô Nguyễn Thanh Hương - giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội.

Và từ đó lại cho thấy một thực tế đáng buồn hiện nay là việc học và thi môn ngoại ngữ ở nhà trường vẫn mang tính chất đối phó nhiều hơn là việc học và tìm hiểu một ngôn ngữ mới, để sau này vận dụng và giao lưu với quốc tế.

Là một giáo viên tiếng Anh tôi cũng hết sức buồn vì việc học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay chưa hiệu quả, chưa truyền cho các em được niềm đam mê, thích thú và bản thân các em học sinh cũng chưa thấy được mức độ quan trọng của bộ môn và chưa nghiêm túc học tập môn này. Bên cạnh đó, các em tỉnh xa khó tiếp cận được với công nghệ hay giao lưu trong môi trường tiếng Anh nên việc học ngoại ngữ trở nên khô cứng và mang tính lý thuyết cao.

Môn ngoại ngữ là môn học vô cùng quan trọng, học sinh Việt Nam hay người Việt Nam chúng ta rất thông minh, rất giỏi ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, không thể chỉ vì ngoại ngữ mà làm cản trở cơ hội và tiềm năng của bản thân và đất nước”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc học tiếng Anh của chúng ta thua kém rất nhiều nước trong khu vực. Ông kể về một kỷ niệm học tiếng Anh ở một quốc gia láng giềng Campuchia: “Nhìn sang Campuchia bây giờ trình độ của họ còn cao hơn mình. Tôi đi sang bên đó, tất cả những người bán hàng đều có thể giao tiếp với khách du lịch. Có lần tôi đi xe túc túc bên đó, người lái xe có thể giới thiệu bằng tiếng Anh cho tôi như một hướng dẫn viên du lịch.

Tôi tò mò tại sao người Campuchia có thể làm được điều đó. Thì người lái xe túc túc nói rằng, ở đó người ta bắt buộc phổ cập tiếng Anh. Nếu không đạt trình độ ngoại ngữ nhất định thì người ta sẽ không được phép hành nghề.

Nếu chúng ta không cải thiện tình hình thì chúng ta sẽ lạc hậu, sẽ là những người làm thuê trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Tác giả bài viết: Công Luân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP