Giáo dục

Cớ gì phải đua vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa?

Hơn 3.500 học sinh bị rớt khỏi cuộc đua vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Vì sao thương hiệu trường này lại có sức hút đến vậy khi hơn 4.000 học sinh lớp 5 phải trải qua cuộc chiến căng thẳng hơn thi ĐH?

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM ngày 18-6 công bố điểm trúng tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là 65,25 điểm. Năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ tuyển 525 chỉ tiêu với 15 lớp. Trong khi số hồ sơ dự tuyển vào trường năm học này là 4.163 hồ sơ, tương đương tỉ lệ 1 chọi 8.

Điểm chuẩn liên tục tăng

Từ năm 2015, kể từ khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định cấm thi tuyển vào các trường THCS dưới mọi hình thức, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được cho phép tổ chức bài khảo sát bằng tiếng Anh để chọn học sinh vào lớp 6, thay vì thi 2 môn toán và tiếng Việt như trước đây.

Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, thi hay khảo sát thì số hồ sơ học sinh dự tuyển vào trường này liên tục nhiều năm liền không dưới 4.000 hồ sơ. Năm 2018, số hồ sơ dự tuyển theo thống kê lên tới 4.163 hồ sơ, tăng hơn 300 hồ sơ so với năm 2017, dù chỉ tiêu tuyển sinh của trường vẫn giữ nguyên như năm trước là 525 học sinh. Vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh nên tỉ lệ chọi năm 2018 là 1 chọi 8, tuy có giảm so với thời kỳ từ 2014 trở về trước là 1 chọi 10 nhưng vẫn còn quá cao.

Thí sinh thi khảo sát năng lực vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ngày 14-6 vừa qua Ảnh: Tấn Thạnh

Chỉ tiêu không tăng, số hồ sơ tăng không đáng kể nhưng điểm chuẩn vào trường mỗi năm một tăng. Năm 2017, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường là 57 điểm, năm 2107 tăng thêm 1 điểm là 58 điểm. Đến năm 2018, tăng vọt lên 65,25 điểm. Nguyên tắc xét tuyển của trường là xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, nghĩa là trong số 525 học sinh trúng tuyển thì số điểm 65,25 điểm vẫn là mức điểm thấp nhất trong tổng điểm xét tuyển lần này.

Áp lực kinh hoàng cho trẻ nhỏ

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, ở 24 quận - huyện đều có các trường THCS giảng dạy các chương trình tương tự Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là tăng cường tiếng Anh, toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh...

Mặt khác, cũng lường trước áp lực vào trường nên theo sở này, phụ huynh nên tham khảo những bài khảo sát của các năm trước, cho học sinh làm thử rồi quyết định có nên đăng ký dự khảo sát chính thức hay không. Nhưng mỗi năm số hồ sơ đăng ký dự tuyển không hề giảm. Trước mỗi kỳ khảo sát, hàng loạt học sinh phải đến các lớp học thêm, luyện thi. Thậm chí còn có trung tâm luyện thi cung cấp phần mềm luyện thi vào lớp 6 Trường THTP chuyên Trần Đại Nghĩa.

Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 bày tỏ hơn 3.500 học sinh trong độ tuổi tiểu học bị loại trong một kỳ khảo sát là con số khủng khiếp. Dù trong số này sẽ có những phụ huynh chỉ xem đây là cuộc tập dượt để thử sức năng lực của con. Tuy nhiên, dù thử sức hay không cũng đã vô tình đẩy các em vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi ở độ tuổi còn quá nhỏ.

Ở một góc độ khác, nhiều giáo viên cho rằng phụ huynh không nên tạo thêm áp lực lên đầu trẻ, khi thực tế hiện nay, học sinh dù trúng tuyển vào trường sẽ học tại cơ sở II của trường tại quận 2. Xét về yếu tố thời gian, mỗi ngày, học sinh phải tập trung ở cơ sở chính từ rất sớm, lên xe đưa đón, chiều lại di chuyển về quận 1, liệu có bảo đảm sức khỏe. Chưa kể, dù là theo mô hình trường chuyên thì tốt nghiệp bậc THCS, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bình thường như những học sinh ở các trường khác.

Hiệu trưởng một trường THCS thống kê nếu lấy tiêu chí điểm tuyển sinh lớp 10 ở tốp điểm cao thì số học sinh trúng tuyển vào 2 trường THPT chuyên, thậm chí thủ khoa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong nhiều năm, không phải học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Trước ý kiến cho rằng liệu có nên mở rộng mô hình trường chuyên từ lớp 6 như Trường chuyên Trần Đại Nghĩa để san sẻ áp lực, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng mô hình trường chuyên là mô hình dành cho những học sinh có khả năng đặc biệt nhằm bồi dưỡng và phát huy những khả năng đặc biệt đó. Dĩ nhiên, số học sinh có khả năng đặc biệt sẽ không nhiều. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh ép con mình thành người có khả năng đặc biệt, như vậy là tạo áp lực lên đầu trẻ. "Một đứa trẻ không đúng khả năng, năng lực vào học thì sẽ rất vất vả về sau. Và cũng không thể vì nhu cầu phụ huynh mà mở thêm được" - ông Hoàng khẳng định.

Học thêm ngày đêm

Lý giải về điểm chuẩn tăng vọt, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng học sinh đã có thời gian làm quen với đề khảo sát bằng tiếng Anh vào trường từ vài năm trở lại đây nên không còn bỡ ngỡ. "Nhưng nói thẳng ra, không ít học sinh học thêm ngày đêm, luyện thi dưới mọi hình thức để vào bằng được lớp 6 trường này" - vị này cho biết.

Tác giả: Hạ Văn

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: THPT , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP