Năm nào cũng thế, khi nghỉ hè là trường tôi bắt đầu chọn đội tuyển học sinh giỏi khối 9. Các em được lựa chọn là những em có đam mê môn học và thành tích cuối năm lớp 8 xuất sắc. Đây là những gương mặt tiêu biểu sẽ đại diện cho trường để “mang chuông đi đánh xứ người”.
Trong các trường học thì thành tích học sinh giỏi luôn được quan tâm hàng đầu. Đây là niềm tự hào của tất cả thầy cô giáo. Vì vậy ban giám hiệu luôn đặc biệt quan tâm.
Ngay sau khi nghỉ hè, nhà trường đã nhắc nhở các giáo viên tuyển khâu "tuyển sinh". Các em học sinh giỏi sẽ đăng kí rồi giáo viên cho thi vòng trường để tuyển chọn chính thức. Sau đó thầy cô sẽ tập trung bồi dưỡng mấy tháng hè trước khi thi chính thức.
Nếu như các thầy cô môn tự nhiên tha hồ mà lựa trò thì giáo viên môn xã hội kiếm tìm mỏi mắt học sinh. Hầu hết các em đều chọn Toán Lý, Hóa, Anh. Nhiều em không giỏi các môn này lắm nhưng vẫn thích đăng kí để được vào đội tuyển. Thậm chí phụ huynh còn điện cho các giáo viên chủ nhiệm để được xin học.
Nhìn cảnh ấy, các thầy cô môn xã hội rớt nước mắt vì tủi thân. Các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục thì chẳng mấy khi có trò tự nguyện đăng kí. Phần lớn thầy cô phải vận động chán các em mới chấp thuận. Có học sinh nào thích những môn này đâu. Các em có vẻ không hào hứng khi được thầy cô chọn vô đội tuyển.
Là giáo viên dạy Văn nên năm nào tôi cũng phải chọn học sinh để bồi dưỡng học sinh giỏi. Dường như năm nào tôi cũng chạnh lòng khi chọn đội tuyển. Nhiều em học tốt, có năng khiếu văn thật sự nhưng nhất định không đăng kí. Các em thường bảo rằng học văn sau này ra trường khó chọn ngành. Chưa kể học văn khá vất vả so với các môn học khác. Ngoài ra phụ huynh cũng không thích cho con học môn Văn. Họ không thích con mình giỏi Văn. Thành thử để chọn được đội tuyển Văn thật chẳng dễ chút nào.
Năm nay tôi có 4 em đăng kí theo học. Thế nhưng sau khi sơ tuyển tôi chỉ lựa được 2 em. Bản thân tự nhủ thôi thế cũng được. Ai dè, ngay hôm sau một phụ huynh điện cho tôi xin phép cho con nghỉ học vì “ông xã không thích con gái học môn này”. Lí do phụ huynh đưa ra là học văn vất vả, rồi học văn không có tương lai. Quan trọng nhất là bị nhiều người chê “học dốt mới đi văn”.
Sau khi nghe phụ huynh chê chán về môn mình đang dạy, tôi cảm thấy buồn vô cùng. Thế nhưng vì tương lai của em và vì thành tích chung cho trường tôi vẫn cố động viên phụ huynh nên cho cháu học. Nào là cháu có khiếu văn rồi học văn sau này có thể đi theo khối D rất thuận tiện... Tôi phải nói mãi phụ huynh mới xuôi xuôi mà đồng ý cho con theo học.
Dường như phụ huynh bây giờ chỉ xem trọng môn tự nhiên. Họ không tiếc tiền để đầu tư cho con những môn học này. Với họ, giỏi tự nhiên sau này mới có tương lai. Còn giỏi văn thì chẳng để làm gì. Vì thế các bậc cha mẹ luôn hướng con mình đến những môn tự nhiên.
Năm ngoái tôi có bồi dưỡng một em đậu giải Nhì vòng huyện môn Ngữ văn. Sau khi biết kết quả, tôi điện báo phụ huynh để họ mừng. Ai ngờ họ buông một câu khiến tôi chết sững người. Rằng “Giỏi văn thì có gì mà tự hào hả cô?”. Thật là buồn cho bao công sức của cả cô và trò.
Thế mới thấy thầy cô môn xã hội bị "xem thường" như thế nào khi giảng dạy. Khi chọn đội tuyển thì thật sự là buồn tủi. Trò thì xem nhẹ môn học. Phụ huynh cũng cùng suy nghĩ ấy. Năm nào cô cũng phải năn nỉ, ỉ ôi đủ điều trò mới chịu. Những ngày học thì cô phải vừa dạy, vừa dỗ. Nói chung là buồn lắm.
Nhớ ngày trước khi đi học, môn Văn luôn được xem là bộ môn chính. Thầy cô luôn bảo chúng tôi văn học là nhân học, học văn tức là học làm người. Học sinh giỏi toán cũng cần có cả kiến thức văn để diễn đạt cách giải cho dễ hiểu... Ngoài ra giỏi văn còn giúp các em biết cách diễn đạt trước đám đông, biết viết đơn khi đi xin việc. Nói chung là giỏi văn và giỏi toán sẽ khiến các em thành công hơn trong cuộc sống.
Mong rằng thời gian tới xã hội sẽ có cái nhìn khác hơn hiện nay về môn Văn. Làm sao để học sinh cũng như phụ huynh thấy được tầm quan trọng của môn học. Có như vậy thì những người thầy như chúng tôi mới cảm thấy đỡ tủi thân.