Cô giáo vượt qua nhiều biến cố của đời để theo nghiệp đã chọn

Admin
Là một thành viên tích cực trong cộng đồng giáo viên sáng tạo, ít ai biết rằng cô giáo Nguyễn Thị Liễu đã phải vượt qua nhiều biến cố trong cuộc đời để có thể tiếp tục cái nghiệp mà mình đã chọn.

Sau 19 năm làm việc trong ngành giáo dục quận 1, TP.HCM, trong đó có 14 năm đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng ở 2 ngôi trường công lập, chị xin chuyển sang vị trí quản lý ở một ngôi trường quốc tế. Lúc nhận quyết định nghỉ việc, chị khóc nức nở trước mặt lãnh đạo.

Tuy nhiên, những đồng nghiệp, người thân đều hiểu rằng chị đang nỗ lực hết sức mình để vượt qua những bất hạnh cuộc đời, để được tiếp tục cống hiến cho cái nghề mà chị đã trót đam mê.

 Cô giáo Nguyễn Thị Liễu (đứng giữa) tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2017 do Microsoft tổ chức. Ảnh: NVCC


Chị là cô giáo Nguyễn Thị Liễu, hiện đang là cụm trưởng quản lý chương trình của Bộ GD-ĐT ở Trường Dân lập quốc tế Việt Úc (Q.1, TP.HCM). Trước tháng 9/2017, chị vẫn đang giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí. Và cách đây 7 năm (từ năm 2003 đến năm 2010), chị là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức.

Hãy làm ngay những thứ mà các nước đang làm

Trưởng thành từ một giáo viên tiếng Anh, chị Liễu luôn là một giáo viên sẵn sàng tiếp thu những cái mới trong phương pháp giảng dạy để kiến thức được truyền thụ cho các em một cách hiệu quả nhất.

Năm 2014, chị tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Cùng một thầy giáo khác, chị giành giải Nhất của cuộc thi.

Thời điểm ấy, thành tích này với chị không chỉ là một phần thưởng, một điểm sáng của sự nghiệp giảng dạy, mà nó thực sự như một nguồn động lực để chị thấy “cuộc đời vẫn còn mỉm cười với mình”.

 2 lần tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu, cô Liễu đều gặt hái được những giải thưởng ý nghĩa. Ảnh: NVCC


Năm 2015, chị cùng 2 giáo viên khác được Microsoft Việt Nam chọn tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ. Tại đây, chị được trải nghiệm những ứng dụng công nghệ mới dành cho giáo dục, đồng thời tham gia cùng nhóm của mình – là những thầy cô giáo tới từ các quốc gia khác nhau – thiết kế một dự án theo đề tài được đưa ra. Nhóm của chị đạt giải Nhất cho phần thuyết trình dự án.

Đến năm 2017, chị lại được Microsoft mời tham dự diễn đàn được tổ chức tại Canada với vai trò là “Fellow” (chuyên gia giáo dục cấp cao) của Việt Nam, làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng nghiệp trong diễn đàn.

Ngoài nhiệm vụ này, chị được phân công làm giám khảo cho các phần thi tại diễn đàn. Trong phần thi dành cho các "Fellow", chị đạt giải thuyết trình xuất sắc nhất nhờ phần chia sẻ đầy cảm xúc về những khó khăn của bản thân khi ứng dụng công nghệ ở môi trường giáo dục công lập, về việc chị và các đồng nghiệp đã vượt lên những khó khăn như thế nào, đưa ra những đổi mới gì để phù hợp với môi trường và học sinh Việt Nam.

Cô giáo nhỏ bé người Việt cũng được chọn là một trong 4 cá nhân xuất sắc nhất. “Mình là người được xướng tên đầu tiên. Cảm xúc đó không bao giờ quên được” – chị chia sẻ.

OneNote là ứng dụng công nghệ mà chị Liễu nhiều lần nhắc đến và say mê khi nói về nó. Đây cũng là ứng dụng mà chị đã theo dõi, tìm hiểu và sử dụng suốt từ cuộc thi giáo viên sáng tạo của Bộ cho tới nay.

 Cô Liễu cùng các giáo viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: NVCC


OneNote là một cuốn sổ ghi chép kỹ thuật số giúp cho việc thu thập, ghi chép thông tin nhanh và sắp xếp khoa học, dễ xem. Cuốn sổ này có thể dùng “online” hoặc “offline”. Đặc biệt, chức năng tương tác trực tuyến giúp ích rất nhiều cho việc trao đổi giữa thầy và trò.

Trong 2 năm gần đây, khi còn công tác tại trường Đức Trí, chị đã mua Office 365 cho toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường. Chị cũng đã ứng dụng thành công sổ tay OneNote Staff dành cho quản lý cùng với số tay OneNote Class dành cho giáo viên dùng trong chuyên môn, giảng dạy.

Nói về sự đổi mới, chị cho rằng “tư duy của lãnh đạo” rất quan trọng. “Cần phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Khi lãnh đạo quyết tâm đổi mới, họ sẽ dẫn dắt giáo viên đổi mới. Chúng ta hãy làm ngay những thứ mà các nước họ đang làm, chứ đừng để đến khi họ qua cái khác rồi thì mình mới bắt đầu làm. Học sinh sẽ là người thiệt thòi nhất” – chị chia sẻ.

“Cuộc đời thử thách tôi”

Ngay trước khi tôi định mở lời hỏi về hoàn cảnh gia đình, thì chị đã nói: “Có lẽ em sẽ hỏi tại sao khi đang công tác ở một trường công lập, chị lại xin chuyển sang một trường tư thục”.

 Chị Liễu và con trai trong một chuyến đi chơi cùng gia đình. Ảnh: NVCC


“Chị không ước mơ đi làm giàu. Hoàn cảnh của chị nhiều đồng nghiệp, những người quen biết chị đều hiểu” – chị chùng giọng tâm sự.

Sau khi sinh cô con gái đầu lòng vào năm 2000, trong 9 năm sau đó, chị Liễu trải qua nhiều cuộc điều trị vô sinh và từng một lần thất bại khi làm thụ tinh ống nghiệm.

Chị từng nghĩ mình không còn cơ hội nào nữa. Rồi bất ngờ chị lại nhận được món quà mà ông Trời ban tặng. Nhưng khi nụ cười chưa kịp tắt, khi thai nhi được 6 tháng, chị nhận tin sét đánh con bị giãn não thất, nếu giãn nhiều sẽ dẫn đến bệnh não úng thủy.

Chị Liễu nói rằng mình đã sống một quãng thời gian đầy nước mắt. Qua tìm hiểu thông tin, chị quyết định giữ lại đứa bé với hi vọng có thể chữa được nếu điều trị sớm.

Suốt một thời gian dài, gia đình chị đã coi bệnh viện là nhà, cùng trải qua những trận chiến giành giật lại mạng sống của con từ tay tử thần. Những mũi tiêm, những đợt điều trị khiến con đau đớn như xát muối vào lòng người mẹ.

“Trong suốt 8 năm qua, gia đình cố tìm cả đông tây y để điều trị vấn đề vận động của con. Gia đình chỉ mong sao con có thể ngồi được, có thể nói được và nếu được nữa thì con có thể làm được những việc cá nhân, vì cha mẹ đâu thể sống đời bên con” – chị kể.

 Hiện bé Hoàng Khang đã 8 tuổi. Ảnh: NVCC


Cuộc đời tiếp tục thử thách khi năm 2012, một biến cố khác lại ập đến: chồng chị phát hiện bị ung thư trực tràng. Trải qua một ca phẫu thuật và 8 đợt hóa trị, hiện tại sức khỏe của anh đã ổn. Tuy nhiên, mầm mống tiềm tàng của căn bệnh thì không thể nói trước, tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.

“Hiện ông xã chỉ làm những việc nhẹ nhàng ở nhà. Vì căn bệnh này mà năm 2016, chồng chị giải thể công ty. Bây giờ, chị là trụ cột chính trong nhà. Vì thế mà chị phải có đường hướng khác để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Chị cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Chuyển sang môi trường tư thục, chị vẫn có thể làm nghề yêu thích và có thu nhập để lo cho gia đình, chứ không phải ước mơ đi làm giàu” – chị chia sẻ.

“Biến cố ập đến, lúc đầu chị suy sụp, có những khi cảm thấy sao cuộc đời mình lại bất hạnh thế. Đồng nghiệp, bạn bè từ khắp mọi miền, trên những diễn đàn mà chị tham gia, dù chưa hề gặp mặt, đã nhắn tin động viên, kêu gọi ủng hộ, cử người đến thăm gia đình.

Thậm chí, cả những giáo viên người nước ngoài biết chị qua diễn đàn cũng nhắn tin hỏi thăm. Có quá nhiều người vẫn quan tâm, chị cảm thấy như mình đang sống lại. Chị nghĩ phải làm sao để đừng phụ sự quan tâm của mọi người”.

“Khi đạt được thành tích trong cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” năm 2014, chị thấy cuộc sống vẫn còn mỉm cười với mình.

Những lúc bắt tay vào làm việc, nghiên cứu những đổi mới, chị tạm quên đi những gì bất hạnh, đau khổ và cảm thấy mình nên làm như thế” - người phụ nữ kiên cường này bày tỏ.

"Con trai biết không, cuối cùng thì may mắn hay nói đúng hơn là thêm một điều kì diệu nữa lại đến với con... Mới hơn 2 tháng nhưng ai cũng thấy được những chuyển biến tích cực của con. Tuy chưa ngồi được nhưng con đã biết tự nghiêng người qua trái, qua phải, biết giơ chân này cao lên và gác qua gối chân kia, biết kêu “ba à” rồi “ẹ à” (mẹ à) và vui mừng ôm lấy cổ mẹ hay người thân khi mọi người nằm kế bên con, ẵm con. Mẹ cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng khi được con ôm và hôn mẹ.

Bác sĩ nói, việc điều trị cho con không thể tính bằng tháng, bằng năm được mà là cả đời. Và cả nhà hi vọng con trai sẽ có nhiều tiến triển tốt hơn nữa để không phụ lòng các bác sĩ nha con.

“…Một ngày tỉnh giấc, rồi Mẹ chợt nghe, vụng về con nói câu: “Mẹ ơi!”
Chiếc môi bé nhỏ thốt lên bất ngờ, khiến tim mẹ vui như vỡ òa...”

Như lời bài hát ý nghĩa này, mẹ sẽ chờ đợi một ngày nào đó con có thể tự chạy đến bên mẹ, ôm chầm lấy mẹ và thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi” … Và mẹ hy vọng một ngày nào đó con trai của mẹ sẽ tự đọc được bài viết này của mẹ…".

(Trích những dòng chia sẻ của chị Liễu viết cho con trai – bé Trương Nguyễn Hoàng Khang - nhân dịp sinh nhật 8 tuổi)