Sau năm 1975, khẩu hiệu đó đã được kẻ ở hầu hết các trường phổ thông trong cả nước.
Ảnh hưởng của lễ giáo Nho học, khẩu hiệu trên mang ý nghĩa tốt đẹp của môi trường giáo dục.
Nó như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, về cách ứng xử.
Tuy nhiên, trong bài tham luận của mình, nhà Nghiên cứu phê bình Văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: "Việc sử dụng lại khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt. Nếu cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm lấy từ nguồn thuần Việt” đã gây nên tranh luận xoay quanh vấn đề này.
Hôm nay, trong bài viết này, Ths Võ Thanh Vân (hiện đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh) với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục và có nhiều trăn trở với định hướng giáo dục sẽ trình bày quan điểm của mình về vấn đề này.
Có nên tồn tại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường hay không là một đề tài hấp dẫn và quan trọng, nó góp phần định hướng giáo dục nước nhà.
Đề tài này đang gây tranh luận, chưa có hồi kết. Là một nhà giáo lâu năm và có nhiều trăn trở với định hướng giáo dục, tôi xin được tham gia, trình bày quan điểm của mình.
1. Hai quan điểm trái chiều hiện nay:
Thứ nhất: Cần duy trì khẩu hiệu này trong nhà trường:
Những người theo quan điểm này hiểu và lập luận tương tự hai tác giả Huỳnh Minh Đức và NGƯT-TS Phạm Văn Khanh, như sau:
Tác giả Huỳnh Minh Đức cho rằng: “Học Lễ” thuộc về dục, tức là học cái gốc để làm người, phân biệt hẳn với giáo, là cái học làm nghề. . . .
Phải dục cái Lễ trước vì nó là cái gốc; “Lễ chính là GIỮ KHOẢNG CÁCH LUÂN LÝ”; Lễ nhắc nhở và dạy chúng ta tiếp xúc như thế nào cho tròn bổn phận của mỗi một nhân đạo, của mỗi một cặp nhân luận và kết luận:
Câu “Tiên học Lễ” phải treo trong trường học chính là kêu gọi người thầy nên chú trọng việc dạy cho trẻ con biết rằng cái học làm người là quan trọng hơn, là cái gốc của cái học làm nghề”.[1]
Có nên tồn tại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường hay không? (Ảnh: laodong.com.vn)
Còn NGƯT-TS Phạm Văn Khanh dẫn từ điển Hán Việt, định nghĩa: “Lễ là cái khuôn mẫu đã được định ra thành phép tắc từ quan, hôn, tang, tế, đi đứng, nói năng, ứng xử...”
Nhưng sau đó nâng cao quan điểm: “Hiểu rộng hơn thì "Tiên học lễ, hậu học văn" là: Trước tiên phải học lễ nghĩa, đạo đức làm người, sau đó học văn tự, chữ nghĩa của thánh hiền hoặc hiểu gọn hơn: Học làm người trước, học tri thức sau”.
Và kết luận: “Từ "Tiên học lễ - hậu học văn" đến "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" và "Học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để sống chung" là một quá trình biến đổi, tiến hóa và hiện đại hóa một quan niệm căn bản về giáo dục ở nước ta.
Trong suốt tiến trình đó, lịch sử đã chỉ ra rằng kiến thức, kỹ năng và tính chuyên nghiệp ngày càng quan trọng nhưng vấn đề cốt lõi, tinh hoa của giáo dục nước ta vẫn là dạy người, học làm người”. [2]
Một số tác giả khác cho rằng: “Lễ là văn minh, văn hóa, kỉ cương phép cư xử trong gia đình và xã hội, là những nền tảng luân lí, nền tảng tổ chức gia đình, xã hội, quốc gia, là sự phân định tôn ti trật tự với những khuôn phép được công nhận và thực thi”.
Hoặc mở rộng phạm vi của Lễ sang thế giới động vật, môi trường . . . để kết luận về sự cần thiết của khẩu hiệu "Tiên học Lễ- hậu học văn" trong trường học
Thứ hai: Không nên duy trì khẩu hiệu này trong nhà trường
Các tác giả theo quan điểm này chủ yếu cho rằng khái niệm “Lễ” không được xác định một cách chính thống, mỗi người tự hiểu theo kiểu của mình.
Đồng thời, đó là châm ngôn của một nền giáo dục lạc hậu, không còn thích hợp với giáo dục hiện đại.
Để minh chứng, tôi xin trích dẫn câu của dịch giả Phạm Anh Tuấn, người dịch cuốn Democracy and Education (Dân chủ và giáo dục) của John Dewey, trả lời phỏng vấn của Thời báo kinh tế Sài Gòn rằng:
“Trẻ em học trong lúc chúng tự thực hành và trong lúc chúng được tự mình sống cuộc sống thực đang diễn ra ngay hôm nay. Hãy bỏ hai khẩu hiệu. Khẩu hiệu thứ nhất là: “Tiên học lễ hậu học văn”. Khẩu hiệu thứ hai là: “Học để làm người””.[3]
Hoặc, như tác giả Nguyễn Ngọc Lanh trong bài “Xin thôi học “lễ””:
“Chúng ta chưa rõ “lễ” là gì, mà cứ hô hào học nó trước, thì đành để mỗi người tự suy ra – dù có cơ sở hay không?
Nếu (giả sử) nội dung “lễ” đã được xác định rất cụ thể với sự đồng thuận cao thì vẫn có hai điều chắc chắn:
1) Nó sẽ quá xa khái niệm gốc do đức Khổng Tử đề ra, khiến mọi người thắc mắc: Hà cớ gì phải mượn chữ “lễ” của thánh nhân để gọi một khái niệm hoàn toàn mới mẻ;
2) Chắc chắn Bộ Giáo dục chẳng dại gì mà đưa vào chương trình phổ thông để dạy cho kỳ được mục tiêu “lễ”. Thế thì tại sao cứ “tiên học lễ” lấy được?”. [4]
Nhiều lý do khiến cần bỏ “tiên học lễ” như đã đề cập ở trên nhưng lý do bao trùm và cơ bản là nó thể hiện một triết lý giáo dục quá cũ kỹ, lạc hậu.
Cần minh định rằng, bản thân “tiên học lễ” không có lỗi gì nhưng nó không còn vai trò tích cực như dưới thời phong kiến và văn minh nông nghiệp nữa.
2. Đề xuất định nghĩa “Lễ”
Theo tôi, để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến “Lễ”, ta cần định nghĩa rõ khái niệm “Lễ” trước.
Vì từ “Lễ” là từ cổ nên muốn hiểu từ “Lễ” ta cần khảo cứu những thư tịch cổ, đặc biệt là kinh, thư. Hiểu được nguyên ngữ rồi thì chúng ta mới có thể mở rộng khái niệm cho phù hợp với thời đại (với điều kiện là được sự chấp thuận của cơ quan quản lý ngôn ngữ chính thống hoặc được sự đồng thuận của số đông quần chúng).
a. Từ “Lễ” trong các thư tịch cổ
Trong các thư tịch cổ, từ Lễ xuất hiện sớm nhất trong 3 bộ sách về Lễ, gọi là Tam Lễ và phát biểu của 2 đại tông sư Đạo học Đông phương: Khổng Tử và Lão Tử.
- “Lễ” trong Tam lễ: Tam lễ gồm Chu Lễ, Kinh Lễ và Nghi Lễ.
Theo Wikipedia: “Chu lễ là tên gọi của bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu.
Nội dung của Chu lễ rất phong phú, đồ sộ, bao gồm các chế độ luật lệ, quy phạm hành vi và nghi thức lễ tiết của các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, pháp luật, hôn nhân gia đình, đạo đức luân lý và phong tục tập quán của Trung Quốc cổ đại.
Trong Chu lễ có rất nhiều quy định, do nhà nước cưỡng chế thi hành có hiệu lực pháp luật - Vì thời Tây Chu chưa phải là thời pháp trị nên chưa có pháp luật (tác giả).[5]
Kinh Lễ, còn gọi là Lễ ký, là một kinh trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, ghi chép các lễ nghi thời trước. Chu Hy soạn sách Chu Tử gia lễ, cho rằng Lễ ký chỉ dùng để giải thích Nghi lễ. [6]
Nghi lễ ghi chép các loại lễ nghi trước thời Tần, trong đó chủ yếu ghi chép lễ nghi của sĩ đại phu. Nghi lễ ghi chép tường tận về chế độ cung thất, trang phục, ẩm thực, tang lễ thời cổ đại”. [7]
-“Lễ” theo Khổng Tử: Trong thiên Thái Bá của Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Lập ư Lễ, hưng ư Thi, thành ư Nhạc”.[8]
Nghĩa là: Muốn tạo lập (một guồng máy nhân sự, một mối quan hệ) thì phải dùng Lễ, xây dựng hệ thống Lễ; muốn guồng máy này trở nên thịnh phải dùng Thơ; muốn hoàn thành mỹ mãn phải dùng Nhạc.
-“Lễ” theo Lão Tử: Chương 38 Đạo Đức Kinh, Lão tử viết:
“. . . . Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng, tắc nhương tí nhi nhưng chi. Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ”. [9]
Nghĩa là: Người đề cao Lễ thì khi giữ lễ mà không được đáp lại thì xắn tay áo, trừng mắt. Cho nên mất Đạo mới cần đến Đức, mất Đức mới cần đến Nhân, mất Nhân mới cần đến Nghĩa, mất Nghĩa mới cần đến Lễ. Lễ là lớp vỏ mỏng của sự Trung Tín và là đầu mối của hỗn loạn.
- Theo từ điển Hán Việt, Lễ là cái khuôn mẫu đã được định ra thành phép tắc từ quan, hôn, tang, tế, đi đứng, nói năng, ứng xử...
b. Đề xuất định nghĩa Lễ
Từ các khảo văn trên, nếu tách các quy định có tính cưỡng chế thi hành trong Chu Lễ sang luật pháp, ta thấy rất rõ ràng nghĩa của từ Lễ ngày xưa:
Lễ là những nghi thức HÌNH THỨC (ngôn ngữ, động tác, thái độ khuôn mẫu mà mọi người phải làm theo) giao tiếp giữa các ngôi thứ trong một tổ chức, trong một xã hội; giữa các tổ chức và giữa con người với thế giới vô hình (thần linh).
Tôi muốn nhấn mạnh đến từ HÌNH THỨC, nghĩa là loại trừ những nội hàm mà nhiều người gán ghép vào nghi thức giao tiếp ra khỏi từ Lễ, dành nghĩa gian cho các từ khác. Ví dụ:
- Con đối với cha mẹ phải đi thưa về trình, hành động, ngôn ngữ phải cung kính . . . là Lễ.
Nhưng tận tình chăm sóc khi cha mẹ đau yếu, không quản thân mình bảo vệ cha mẹ khi hoạn nạn thì không còn là Lễ nữa; đó là Hiếu.
- Vợ chồng phải xem nhau như khách (tương kính như tân) là Lễ; nhưng xa nhau vài bữa thì nhung nhớ không nguôi thì không còn là Lễ nữa, đó là Tình yêu.
- Trò gặp Thầy phải cúi đầu khoanh tay, Thầy vào lớp học trò phải đứng dậy, phát biểu phải dạ thưa . . . là Lễ. Nhưng khi thầy đau yếu, hoạn nạn trò hết lòng giúp đỡ; hết học rồi vẫn nhớ công ơn của Thầy . . . thì không còn là Lễ nữa, đó là Nghĩa.
- Khi giao tiếp với người trong xã hội phải bắt tay là Lễ; nhưng nói năng, cử chỉ đúng mực, thái độ ôn hòa thì không là Lễ nữa, đó là Nhã.
- Vào chùa lạy Phật, tụng kinh là Lễ; nhưng có tin những lời kinh mình đọc hay không không phải là Lễ nữa, đó là Tín
Nói rõ hơn, nếu ta lập trình cho một người máy những nghi thức giao tiếp nào đó thì dù nội hàm của các giao tiếp chỉ là số 0, nhưng người máy này vẫn là mẫu hình Lễ độ nhất, không bao giờ có sai sót trong giao tiếp.
Ngày nay, ta cần mở rộng khái niệm Lễ ra thiên nhiên:
- Đi công viên, chợ hoa không giẫm đạp lên hoa, cỏ là Lễ với hoa, cỏ; nhưng say mê một chậu hoa nào đó đến luyến tiếc không thể rời đi thì không còn là Lễ nữa mà là yêu hoa.
- Không xả rác ở bờ biển là giữ Lễ với biển, nhưng nhặt rác ở bờ biển, dù đó không phải là nhiệm vụ của mình, thì không còn là Lễ nữa, đó là yêu biển và quang cảnh biển.
Cố ý xả nước thải xuống biển không còn là Vô Lễ với biển và động vật biển nữa, đó là tàn phá môi trường; yêu thương, chăm sóc và xả thân chống những kẻ phá hoại để bảo vệ biển thì không còn là Lễ nữa, đó là Tình yêu thiên nhiên, là bảo vệ môi trường.
Với các lập luận trên, tôi đề xuất định nghĩa từ Lễ cho ngày nay: Lễ là những nghi thức hình thức về giao tiếp giữa các ngôi thứ trong một tổ chức, trong một xã hội; giữa các tổ chức; giữa con người với tự nhiên và thế giới vô hình.
3. Vấn đề khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” trong Nhà trường
Thống nhất định nghĩa về Lễ như trên ta sẽ dễ dàng hiểu được quan điểm của Khổng Tử và Lão Tử:
Một tổ chức, một xã hội, một mối quan hệ mà không có Lễ thì giao tiếp sẽ hỗn loạn tôn ty, không có cơ chế ràng buộc nhau nên sẽ không hoạt động và không tồn tại được.
Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào Lễ thì tổ chức, xã hội, mối quan hệ ấy chỉ có một lớp vỏ mỏng hình thức, không có một nội hàm tốt đẹp nào, có tồn tại cũng như không.
Do đó, cơ quan, tổ chức, xã hội, mối quan hệ nào chưa có Lễ thì dứt khoát phải thiết lập và thượng tôn Lễ (đặt Lễ lên cao).
Cơ quan, tổ chức, xã hội, mối quan hệ nào đã hoàn thiện Lễ thì phải quên Lễ đi để các chú trọng vào phẩm hạnh quý giá của con người, những tình cảm ấm nồng của mối quan hệ và những năng lực chuyên môn khác, nếu không chúng sẽ bị xem nhẹ dần và có thể mất đi vĩnh viễn.
Áp vào trường học và khẩu hiệu “Tiên học Lễ - Hậu học Văn”, có hai vấn đề cần cân nhắc: Trường nào cần treo khẩu hiệu này và trường cấp nào cần treo khẩu hiệu này?
Trường nào cần treo khẩu hiệu này: Theo lập luận trên, không kể là trường ở cấp nào, nếu chưa thiết lập được một cách vững vàng các nghi thức giao tiếp trong trường thì phải thượng tôn Lễ và treo khẩu hiệu cho đến khi Lễ hoàn thiện.
Trường nào đã hoàn thiện các nghi thức giao tiếp thì nên bỏ đi để thượng tôn những đức hạnh khác, kỹ năng khác có hiệu quả trong việc tạo dựng nhân cách và nghề nghiệp hiện đại hơn thay vì cứ chăm chăm vào cái vỏ hình thức Lễ.
Theo tôi, tất cả các trường bậc THCS và THPT, đặc biệt là THPT, phải gấp rút hoàn thiện Lễ cho học sinh ngay những ngày đầu vào trường và nhanh chóng gỡ bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ - Hậu học Văn” xuống.
Nếu không, chúng ta có nguy cơ sẽ đào tạo ra những thế hệ con ngoan trò giỏi chỉ biết khoanh tay, cúi đầu và tuân phục.
Tôi muốn nói rằng nhà trường nên chú trọng dạy Lễ, nhưng trong những buổi sinh hoạt dưới cờ trong vài tuần đầu năm học chứ không treo trên nóc trường như vòng kim cô ràng buộc học sinh suốt đời.
Quyết định này (treo hay không treo biển “Tiên học Lễ - Hậu học Văn”) tùy thuộc rất nhiều vào hiểu biết về Lễ và các đức tính khác trong nhân cách con người của lãnh đạo nhà trường và hội đồng giáo dục.
Do đó, hơn ai hết, lãnh đạo nhà trường và hội đồng giáo dục nhà trường cần học và nghiên cứu Lễ một cách thấu đáo để hành xử chính xác.
Vấn đề trường cấp nào cần treo khẩu hiệu “Tiên học Lễ - Hậu học Văn” là một vấn đề chuyên sâu về tâm lý lứa tuổi, tôi xin đề xuất trong một bài viết khác, bài viết về các đức tính cần giáo dục ở từng lứa tuổi học trò
Tài liệu tham khảo:
[1]. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
[2]. http://sgddt.tiengiang.gov.vn/
[3]. http://www.thesaigontimes.vn/65884/Dich-gia-Pham-Anh-Tuan-Giao-duc-Viet-Nam-se-chuyen-minh-neu-biet-lang-nghe.html
[4]. http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hoc_le-f.html.
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_l%E1%BB%85
[6]. https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_L%E1%BB%85
[7]. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghi_l%E1%BB%85
[8]. Khổng tử, Luận ngữ.
[9]. Lão tử, Đạo đức kinh.
Tác giả bài viết: Ths Võ Thanh Vân