Cơm tấm bà Ròm hơn 30 năm nức tiếng Sài Gòn

Admin
Chiếc xe nhỏ bên đường xếp đầy ắp những miếng sườn được ướp với công thức riêng, nước mắm pha mặn ngọt kiểu miền Nam.

Cứ xế chiều, người dân sống gần một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sương (56 tuổi) đang tất bật dọn hàng cơm để đón khách. Theo bà Sương, năm 2019 đánh dấu năm thứ 32 quán tồn tại ở thành phố.

"Khoảng chục năm trước, tôi bán ở mặt tiền đường nhưng hiện đã dọn vào hẻm. Từ lúc mở bán đến nay, chúng tôi chỉ bán đúng tại địa chỉ này", bà Sương kể.

Cơm tấm

 Vợ chồng chủ quán dậy từ sớm đi chợ để sẵn sàng phục vụ khách lúc 7h30. Ảnh: Di Vỹ.

Bà Sương có dáng người nhỏ nhắn nên được khách quen đặt tên là Ròm. Cái tên "cơm tấm Bà Ròm" cũng xuất hiện từ đó. Bà quê ở Bến Tre, theo gia đình lên Sài Gòn ăn học và sinh sống từ khi còn nhỏ. "Vì là chị cả trong nhà, ngày nhỏ tôi thường phụ cha mẹ nấu ăn. Công việc đứng ở bếp không biết 'ăn vào máu' từ khi nào", bà kể. Bà quan niệm rằng, "cơm là món không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày". Cùng với kinh nghiệm nấu nướng có sẵn, sau khi có gia đình ở Sài Gòn, bà cùng chồng mở quán cơm năm 1987.

Theo bà chủ, món ăn ngon hay không còn tùy vào khẩu vị của mỗi thực khách. "Việc của mình là phải đảm bảo nấu nướng sao cho thật có tâm", bà chia sẻ. Mỗi ngày, bà Ròm cùng chồng thức dậy sớm để ra chợ, chọn mua những loại nguyên liệu tươi ngon nhất. Khoảng 7h30, họ bắt đầu các công đoạn sơ chế rồi nấu nướng.

Miếng sườn to bằng lòng bàn tay được bà Ròm chuẩn bị với công thức riêng. Bà tiết lộ, để sườn thơm và đậm đà hơn, bà ướp thêm mật ong tự nhiên. "Nếu thiếu mật ong thì thịt sau khi nướng sẽ bị khô. Nếu cho quá nhiều sẽ phản tác dụng làm thịt bị bở, có vị gắt", bà chủ tiết lộ bí quyết nấu nướng.

Sườn được nướng trực tiếp trên bếp than hồng từ từ thấm gia vị, tỏa mùi thơm quyến rũ. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn ngọt hòa quyện nơi đầu lưỡi. Sườn sau khi nướng cháy sém còn thoáng mùi khói, vẫn giữ được độ mềm mại.

Cơm tấm

 Sau khi phụ dọn hàng, chồng bà Ròm đảm nhận công việc nướng thịt. Ảnh: Tâm Linh.

Hơn 30 năm trôi qua, công việc cứ đều đặn diễn ra như thế. Đĩa cơm với giá ban đầu 10.000 đồng, bây giờ đã tăng lên gấp 3 lần. Quán nhỏ phục vụ món cơm tấm ăn với sườn nướng, bì và chả là chính. Nhưng mỗi ngày, chủ quán đều có nấu thêm một vài món phụ với số lượng ít để khách quen có thêm lựa chọn.

Có khoảng 10 món ăn kèm như xíu mại sốt cà, lạp xưởng, cá chiên sả, gà sốt tiêu, ếch xào ngũ vị... Mỗi món đều mang một vị riêng. Dù là quán bên đường, không bề thế nhưng khi thưởng thức xong, ai cũng gật gù khen.

Là khách quen của quán bà Ròm được nhiều năm nay, anh Công Tuấn (ngụ ở quận Phú Nhuận) công nhận hương vị của món ăn tại đây rất đặc biệt. "Cơm tấm muốn ngon hay không, ngoài vị thịt sườn thì chén nước mắm ăn kèm cũng rất quan trọng. Chủ quán pha rất vừa miệng, đúng kiểu miền Nam, mặn ngọt cân bằng", thực khách này nói.

Cơm tấm

 Mỗi suất ăn có giá trung bình khoảng 40.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

Nói là quán nhưng thực chất địa chỉ này chỉ có đôi ba bộ bàn ghế được chủ xếp dọc theo con hẻm nhỏ. Khách đi xe vào sâu bên trong đậu rồi quay ngược ra gọi món và chọn chỗ ngồi. Hiện quán không thuê nhân viên phục vụ. Ngoài vợ chồng bà Ròm, quán còn có con trai và con gái của bà phụ bán.

Theo bà Ròm, sở dĩ quán suốt mấy mươi năm không mở rộng hơn là "vì ăn cơm tấm thì phải ngồi vỉa hè thì mới ngon". Nói xong, bà chủ lại quay sang đơm thức ăn lên đĩa một cách thuần thục.

Sài Gòn là vùng đất có ẩm thực phong phú, sẽ không khó để bạn tìm thấy một tô bún mắm ngọt ngào hương vị miền Tây hay bát phở chuẩn vị Bắc. Tương tự, món cơm tấm "sườn, bì, chả" dù có ở nhiều nơi nhưng khi ăn ở Sài Gòn, hương vị sẽ khó có nơi nào mà sánh được.

Ăn cơm tấm tại đây, bạn phải ngồi ở quán bên đường mới đúng điệu. Bạn không chỉ cảm nhận hương vị của món ăn mà còn thưởng thức luôn cả cái không khí náo nhiệt của phố xá, phong cách hào sảng của chủ lẫn khách trong khung cảnh người ra kẻ vào nhộn nhịp.