Giáo dục

Còn cơ hội nào cho các thí sinh dưới 15 điểm?

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH. Theo đó, điểm sàn xét tuyển đại học năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D.

Điều đó có nghĩa tất cả các thí sinh dưới 15 điểm sẽ phải chia tay với giấc mơ về giảng đường đại học trong sự tiếc nuối. Tuy nhiên, không phải không đủ điểm sàn là các thí sinh sẽ hoàn toàn mất cơ hội chạm tay tới mơ ước của mình.

Bởi lẽ, trên thực tế, theo thống kê mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu thí sinh đi học ĐH nhưng sau mỗi mùa tốt nghiệp lại có khoảng 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp.


Phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) xung quanh vấn đề chọn trường với các thí sinh dưới 15 điểm. Cô Loan cho hay: “Đúng là tâm lý bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người đến nỗi chúng ta cứ nghĩ rằng có bằng cấp càng cao càng có cơ hội tìm được việc làm tốt và có thu nhập cao.

Vì thế, hiện nay cổng trường đại học là một cứu cánh với nhiều em thí sinh với mong muốn khi tốt nghiệp sẽ có công việc ổn định và thu nhập cao. Tuy nhiên, thị trường lao động lại không cần quá nhiều lao động có bằng cấp cao, mà tỷ lệ lao động chung trên thế giới là 1/4/10, tức là cứ một lao động có bằng đại học thì cần có 4 lao động có bằng cao đẳng và 10 lao động có bằng trung cấp nghề.

Thị trường lao động Việt Nam hiện nay cũng đang hướng tới tỷ lệ đó. Vì thế, mấy năm gần đây tỷ lệ thanh niên có bằng cử nhân, thạc sỹ chưa tìm được việc làm cao hơn thanh niên có bằng trung cấp nghề là một thực tế.
Trước đó, chúng ta cũng thấy những câu chuyện bi hài về việc liên thông ngược (người có bằng cử nhân xin đi học trung cấp nghề ) không phải là hiếm.

Vì vậy, theo tôi các bạn thí sinh dưới 15 điểm (dưới mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT) cũng không cần quá hoang mang. Bởi lẽ, đại học không phải là tất cả, bạn hoàn toàn có thể đi học tại các trường cao đẳng hoặc các trường nghề. Sau đó, muốn nâng cao trình độ chúng ta có thể học tiếp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp họ cần những người làm được việc chứ không phải những “tấm bằng đẹp” mà không biết làm gì.

Ngay cả những bạn có điểm thi không cao, nếu vào đại học với 15,16 điểm bạn chỉ vào đựợc những trường ở top dưới, vì vậy cơ hội tìm việc làm là không cao, nguy cơ thất nghiệp là rất lớn.

Vậy nên các em hãy suy nghĩ tới các trường trung cấp, trường nghề cho phù hợp với khả năng của minh, đỡ tốn kém cho gia đình và xã hội lại có cơ hội tìm việc làm sớm ổn định cuộc sống”.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Ánh Nguyệt – giáo viên tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho hay: “ Chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với một thực tế là không phải cứ học ĐH, cứ học tại các trường top cao thì sẽ có công việc tốt. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, chính những sinh viên tốt nghiệp tại các trường trung cấp, trung cấp nghề lại cơ nhiều cơ hội tìm việc làm hơn những cử nhân tốt nghiệp đại học.

Những năm qua, trường đại học mọc lên ngày càng nhiều, việc đào tạo tại một số trường cũng quá chú trọng số lượng mà không quan tâm đến chất lượng dẫn tới việc sinh viên của chúng ta sau khi tốt nghiệp không có khả năng làm việc tại các công ty nước ngoài. Nếu muốn làm được, họ lại mất thời gian đào tạo lại. Đó chẳng phải một sự lãng phí cả thời gian và tiền bạc cho bản thân các em và cho xã hội.

Các em thí sinh dưới mức 15 điểm còn rất nhiều cơ hội và rất nhiều lựa chọn. Tại sao các em không nghĩ tới việc chọn cho mình một nghề nào đó mà các em thích rồi đi học? Hiện nay cơ sở vật chất tại các trường nghề cũng rất hiện đại. Điều quan trọng là đi học nghề các em sẽ có nhiều cơ hội được học thực hành mà cái quan trọng là nó giúp chúng ta biết làm việc “thực sự”.

Sau khi học nghề tại các trường trung cấp, các em có thể đi học việc tại các công ty để có kinh nghiệm. Khi tích lũy được kinh nghiệm có thể đứng ra tự kinh doanh. Và biết đâu 10 -15 năm sau các em lại là người tạo việc làm cho những người bạn cùng trang lứa bây giờ đang đi học đại học. Không gì là không thể nếu các em dũng cảm bước đi. Tất nhiên, không có con đường nào trải thảm đỏ và hoa hồng. Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng là những bước đi khó khăn và đầy chông gai nhưng nếu cố gắng và nỗ lực cô tin thành công sẽ ngọt ngào gấp đôi”.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP