“Còn người là còn của, đừng khóc nữa em”

Admin
Ngày 20-10, ngày mà phụ nữ nhiều nơi được nhận quà và hưởng trọn niềm vui thì tại Quảng Bình, lại là ngày nhiều người phụ nữ vừa mất trắng mọi thứ do lũ lụt tràn về.

Các phòng học của Trường tiểu học Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy lúc này đã có hơn 1.000 người của 2 xã thuộc huyện Lệ Thủy được sơ tán về. Đa phần là phụ nữ, người già và trẻ em. Họ được các lực lượng ứng cứu bằng ca nô tìm kiếm, di dời về nơi an toàn đêm qua.

 Chính quyền và nhân dân xã Sơn Thủy chuẩn bị những suất ăn cứu trợ.

Ông Võ Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Do cấp độ lũ lần này cao chưa từng có trong lịch sử ở địa phương nên nhiều gia đình chủ quan không chịu sơ tán. Khi lũ bất ngờ dâng cao vào ban đêm, thật may là có các anh bộ đội đến giúp sơ tán kịp thời nên xã không bị thiệt hại về người, còn tài sản của người dân thì phần lớn đã bị nước lũ nhấn chìm. Hiện tại hằng ngày tại đây, chúng tôi đang đảm bảo ăn 2 bữa/ngày cho hơn 1.230 người dân.

 Người dân chỉ kịp chạy khỏi khu vực nguy hiểm, để lại toàn bộ tài sản.

“Còn người là còn của, đừng khóc nữa em”, động viên chị Tương đang ôm đứa con thơ là vậy nhưng hoàn cảnh chị Thoan cũng không khá hơn gì. Hai người phụ nữ chỉ kịp chạy thoát thân khỏi dòng nước lũ, để lại toàn bộ tài sản nhấn chìm trong biển nước.

Tiết kiệm tiền 7-8 năm nay để xây nhà, vậy mà dòng nước lũ đổ về khiến kế hoạch của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tương, xã Mỹ Hòa, huyện Lệ Thủy cũng thế mà trôi theo dòng nước. Ôm 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất học lớp 2 và đứa bé nhất mới 10 tháng tuổi, chị Tương không biết phải làm gì khi trong tay đến tấm áo ấm mặc cho con cũng không có. Nước lũ đổ về quá nhanh, khiến 4 mẹ con không kịp trở tay, chồng ở ngoài ruộng cũng không kịp chạy về, nhưng may nhờ có lực lượng cứu hộ, họ đã may mắn thoát khỏi dòng nước.

 Chị Tương và đứa con thơ vừa được cứu khỏi vùng nguy hiểm.

 Người dân xã Mỹ Hòa được đưa về nơi an toàn và được phát áo ấm.

Còn với bà Dương Thị Quy, tuy đã 70 tuổi nhưng nhờ biết bơi, bà đã bám vào xà nhà. “Đêm qua, nếu không có bộ đội đến kịp thời, mở ngói đưa tôi lên không thì chết rồi. Nước lên nhanh quá, lúc chiều mới chỉ xâm xấp, vậy mà 10 giờ tối đã tới nóc nhà rồi”, bà Quy nhớ lại. Giờ ở điểm an toàn, bà Quy không chỉ được cung cấp cơm ăn, mà còn có áo ấm để mặc, chống chọi qua mùa mưa bão.

“Chưa bao giờ nước dâng cao thế này. Mọi năm nước chỉ tầm 1,5m nên tôi chủ quan, không dám đi đâu cả vì nhà còn có 8 con gà. Giờ thì mọi thứ chả còn chi cả”, bà Phạm Thị Phụng, 68 tuổi ở xã Mỹ Hòa, huyện Lệ Thủy rơm rớm nước mắt kể.

Trực tiếp cầm lái ca nô giữa sóng to, gió lớn đi tìm kiếm người dân đang gặp nạn, Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Lệ Thủy tập trung cao độ để giữ cho chiếc cano không va vào dây điện, cọc nhọn dễ bị lật chìm. Điện thoại anh Hùng reo liên tục. Anh vừa nhận chỉ đạo từ cấp trên vừa nhận cuộc gọi từ những người dân nhờ ứng cứu. Cùng nhóm cứu hộ với Thiếu tá Hùng còn có hai chiến sĩ, các anh cũng tham gia chiến dịch giải cứu từ những ngày nước mới dâng cao.

 Mực nước dâng cao kỷ lục tới 4,29m khiến cả vùng Lệ Thủy ngập trong biển nước.

"Suốt cả tuần nay anh em tìm kiếm liên tục cả ngày đêm. Ăn tạm lương khô, ngủ trên ca nô để tìm người dân còn bị kẹt lại trong lũ chưa ra được…". Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng chia sẻ vợ con anh cũng đang trong vùng ngập nhưng mấy hôm nay tham gia giải cứu còn chưa kịp về thăm nhà.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cứu người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Ngày 20-10, Đại tá Phạm Việt Cường, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại một số địa phương trong tỉnh bị thiệt hại lớn. Tại các nơi đến kiểm tra, Đại tá Phạm Việt Cường đặc biệt lưu ý các địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất; rà soát khu vực dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp đã bị ngập và có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Trường hợp không chấp hành thì tham mưu cho địa phương tổ chức cưỡng chế; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có biện pháp đối với những người không chấp hành; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để giúp dân phòng, chống mưa lũ và khắc phục hậu quả.

Tác giả: THU HÀ – CHU ANH

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân