Cơn sốt mua bán quần áo qua mạng ở Việt Nam

Admin
2018 được giới kinh doanh thương mại điện tử dự đoán là năm của ngành hàng thời trang ở Việt Nam.

Làm văn phòng một ngày gần 10 tiếng, chị Mỹ Hà (Bình Thạnh, TP HCM) vẫn đều đặn sắm thêm trung bình 2 bộ áo váy mỗi tháng. Các mẫu mới cứ quảng cáo liên tục trên máy tính của chị, đi từ mạng xã hội đến các trang đọc tin tức, chỉ sau một lần 'trót' tìm váy mới để chuẩn bị ăn cưới.

"Ra đường thì đâu đủ thời gian đi từ shop này đến shop kia để xem hết mẫu mới. Giờ xem qua mạng thôi. Thực ra, nếu đã mua thử một lần ở shop đó, thấy được là các lần sau cũng yên tâm đặt qua mạng và nhận ở văn phòng rồi. Tất nhiên, lần đầu mua ở shop lạ thì hên xui thôi", chị Hà nói.

Gần đây giới chị em phụ nữ còn có thú giải trí về đêm là ngồi xem livestream bán quần áo trên mạng xã hội. Nhiều tiết mục livestream trở thành "đặc sản" riêng với chủ shop là những người hài hước hay có khi "làm lố" để câu view.

Xu hướng livestream mạnh mẽ đến mức, tuần sau, hoa hậu Phạm Hương cũng quyết định áp dụng cách này để "truyền hình trực tiếp" buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tay của cô. Khán giả có thể đặt mua ngay mẫu đồ mà người mẫu đang diễn.

Theo báo cáo về thị trường thương mại điện tử của Q&ME năm 2017, thời trang là mặt hàng được mua online nhiều nhất ở Việt Nam. Vị trí tiếp theo là đồ công nghệ và mỹ phẩm.

 Mua quần áo và trả tiền ngay trực tuyến dần trở thành thói quen phổ biến ở Việt Nam.

73% người được khảo sát cho biết từng mua hàng thời trang qua mạng năm qua, cao hơn gấp đôi hai ngành hàng kế tiếp đồ công nghệ (36%) và mỹ phẩm (33%). Có đến 43% cho biết mặt hàng họ mua qua mạng nhiều nhất là quần áo, giày dép, phụ kiện.

“Những ngày đầu, Zapas trên chợ mạng chỉ là gian hàng giày nhỏ lẻ, sau 6 năm đồng hành cùng một sàn thương mại điện tử, chúng tôi đã tăng trưởng vượt bậc. Giờ đây, chúng tôi là một trong những thương hiệu giày được yêu thích nền tảng đó", ông Bùi Đức Thiện – Đồng sáng lập thương hiệu Zapas cho biết.

Không chỉ những thương hiệu nhỏ, các đại gia lớn trong ngành giờ cũng không thể ngồi yên trước thú vui mua quần áo online của người Việt. ACFC – đơn vị sở hữu các thương hiệu thời trang quốc tế như Calvin Klein Jeans, Calvin Klein Underwears, Levis, Dune và Diesel... vừa có cú bắt tay với Lazada để đẩy hàng của mình lên nền tảng này.

Trong khi đại diện của ACFC tuyên bố đây là bước đi để "đến gần với khách hàng hơn" thì bản thân Lazada cũng bày tỏ tham vọng đánh mạnh vào mảng thời trang và mỹ phẩm trong năm 2018, với mục tiêu là sàn dẫn đầu thị trường về ngành hàng này vào năm 2020.

"Người quyết định mua hàng chủ yếu trong gia đình Việt là phụ nữ. Nhắm đến yếu tố này, Alibaba và Lazada thấy cần phải kích thích để chị em phụ nữ mua sắm nhiều hơn. Năm 2017, nhóm hàng thời trang có doanh thu tăng 2 lần, số lượng nhà bán hàng tăng 4,5 lần và số lượng khách hàng nữ tăng 2,5 lần. Đây là những con số hấp dẫn mà chúng tôi thấy năm nay tập trung cho nhóm hàng này là chính xác", bà Nguyễn Thanh Thủy – Giám đốc giải pháp kinh doanh thương hiệu, công bố chiến lược mới nhân dịp 6 năm nền tảng có mặt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cơn cuồng mua bán quần áo qua mạng ở Việt Nam cũng có thể là "ngọn lửa cám dỗ" và người lao vào nó, không khéo cũng như những "con thiêu thân". Cho đến nay, chưa có một sàn thương mại điện tử nào đủ lớn để định hình trong suy nghĩ người dùng khi nhắc đến một địa chỉ để sắm thời trang.

Trong khi Lazada, Shopee, Sendo hay Tiki thiên về sàn mua sắm tổng hợp thì những sàn chuyên về thời trang vẫn lình xình. Sau 5 năm hoạt động, cái tên được nhắc nhiều nhất là Zalora, đã bán mình cho Central Group từ tháng 5/2017, trong giai đoạn mà người đứng ngoài tin chắc là chưa thể có lời.

Các sàn chuyên thời trang còn lại như Leflair hay Zanado chọn con đường riêng. Trong đó, Leflair chỉ đánh thị trường ngách là đồ hiệu giảm giá. Bi đát hơn, Topmot với mô hình hàng hiệu outlet đã phải đóng cửa vào tháng 6/2017 sau 2 năm hoạt động dù trước đó còn gọi thêm được một triệu USD vốn đầu tư.