Giáo dục

Con vào lớp một đã phải "chạy", tâm sự cay đắng của một phụ huynh!

Thật đáng buồn là nếu lớp 1 cũng phải “chui”, phải “chạy” thì thử hỏi khi con lên cấp 2, cấp 3 và Đại học… có gì là không phải chạy?

LTS: Con sắp vào lớp một cũng là thời điểm nhiều phụ huynh “lập chiến lược” chạy trường, lớp tốp đầu cho con mình thậm chí nhồi nhét trước kiến thức cho con trong những lớp học thêm để thêm an tâm về tương lai của con sau này.

Từ góc độ một người trong cuộc, độc giả Cao Văn Long, một phụ huynh có con vào lớp một đã có những bộc bạch về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Vợ chồng tôi đều là công chức, lương tính theo hệ số, chẳng phải khá giả gì lắm thế nhưng mấy năm trước, khi con trai đầu bước chân vào lớp một, chúng tôi vẫn đầu tư để cho con vào được trường điểm bằng mọi giá.

Cái đáng nói là sau một thời gian cho con vào ngồi ở lớp tốt, trường tốt tự nhiên tôi lại nhận được những phản hồi không hay.

Trong hai ngày đầu con đến lớp, cô giáo phê bình cháu là chậm chạp, không hòa nhập được như các bé khác.

Đến hôm sau thì cô giáo lại bảo con tôi có vấn đề, cầm phấn cầm bảng còn chưa vững, tôi choáng váng vì đẻ con ra, nuôi con lớn ngần ấy năm chưa bao giờ tôi thấy con “có vấn đề” như cô giáo nói.

Cứ dăm bữa nửa tháng cô giáo chủ nhiệm của con lại gọi điện phản ánh rằng con trai tôi kém hơn bạn bè rất nhiều, tiếp thu bài chậm; nếu cứ tình hình thế này thì cháu sẽ bị các bạn bỏ xa, lực học của con tôi tồi nhất lớp.

Nhưng từ cảm nhận của một người mẹ, tôi thấy con mình chẳng hề chậm hơn bạn bè bởi cháu nhanh nhẹn, hoạt bát, ở nhà vui vẻ lắm.

222
Bình thường ở nhà con tỏ ra rất hoạt bát, thông minh (Ảnh mang tính minh họa) (Ảnh nguồn: Vnexpess.net).

Nhiều lúc vợ chồng tôi khủng hoảng chỉ vì con học không theo kịp các bạn, không cho con đi học thêm trước cộng với áp lực của cô khiến con lúc ngủ cũng lơ mơ đánh vần, làm phép tính như đang trên lớp.

Nghĩ lại tôi thấy đau lòng và thương con quá!

Thú thật, đón con ở trường tôi luôn phải né tránh vì cứ gặp là cô giáo lại phê bình.

Nghe cô giáo phàn nàn, tôi cũng thấy nóng mặt, nhìn con buồn buồn sau mỗi buổi đến trường vì bị cô giáo chê cộng với việc các bạn trêu chọc, tôi tự trách bản thân mình, tại sao không cho con học trước lớp một?

Tôi thấy sai lầm khi mà quá ham trường điểm nên hiến con chật vật với lớp một.

Sau đó tôi đã phải chạy cho con vào một lớp của trường thường với 35 học sinh/1 lớp, thật bất ngờ sau một tuần khi tôi hỏi cô giáo mới của con thì cô khẳng định rằng cháu nghịch ngợm và cũng thông minh nhất nhì lớp.

Nhóc thứ hai năm nay lại sắp sửa vào lớp một, rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi vẫn “bình chân như vại”.

Trong khi các phụ huynh khác đang chạy vạy, lo lót cho con thi cử, “đấu đá” thì tôi sẽ cho con đi học đúng tuyến để không phải bon chen với ai cả.

Thực tế thì tâm lý chung của người cha, người mẹ nào cũng muốn con mình được vào môi trường tốt, nhưng vô tình chính chúng ta đang tiếp tay cho những cơn sốt chạy trường, chạy lớp, chạy cả cô giáo.

Có cần thiết không khi đưa con đi “chiến đấu” ngay từ khi ngấp nghé bước chân vào lớp một?

Không ít người suy nghĩ rằng vào được trường xịn, trường tốt thì con cái mình mới đẳng cấp, rồi cho con vào trường “ngon” và phó thác hết cho thầy cô giáo là hết trách nhiệm.

Cũng đâu phải hằng tháng đóng học phí cao ngất ngưởng cho con là mọi chuyện sẽ êm đẹp? Chính chúng ta đã biến con cái mình phải lao vào cạnh tranh trong trường lớp từ quá sớm.

Thật đáng buồn là nếu lớp một cũng phải “chui”, phải “chạy” thì thử hỏi khi con lên cấp 2, cấp 3 và Đại học… có gì là không phải chạy?

Tác giả bài viết: Cao Văn Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP