Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Admin
Sáng ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 9 Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 9 Luật gồm: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các Bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn… đã thông tin những điểm nổi bật, quan trọng của các Luật.

Thông tin về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho biết về các hành vi tham nhũng, Luật đã quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

“Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Luật đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện…”, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng TTCP, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác. Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Điểm mới của Luật là đã Quy định trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội vụ nhằm phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật năm 2018 quy định việc áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện….

Giới thiệu về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn -Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới.

Theo đó, để phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước và có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật quy định một Điều (Điều 5) về các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý như: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật Nhà nước; Làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước trái pháp luật; Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật Nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông…; Đăng tải, phát tán bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Phạm vi bí mật Nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến Quốc gia, dân tộc.

Về danh mục bí mật Nhà nước, Căn cứ vào quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước và thẩm định của Bộ Công an.

Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm và độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.