Công cụ chống nghiện iPhone đầy nghịch lý của Apple

Admin
Theo các nhà phát triển ứng dụng, Apple ra tính năng giúp người dùng cai nghiện iPhone chẳng khác nào các sòng bài khuyến cáo về nạn cờ bạc.

iOS 12, dự kiến có mặt trên iPhone và iPad từ tháng 9, được trang bị tính năng Screen Time cho phép người dùng chia các ứng dụng theo danh mục như trò chơi, mạng xã hội, liên lạc... và theo dõi thời gian, thói quen sử dụng, sau đó cung cấp bảng tóm tắt hàng tuần. Bên cạnh đó, bạn có thể đặt giới hạn thời gian sử dụng cho từng ứng dụng nhằm "cai nghiện" smartphone hoặc giúp phụ huynh quản lý con cái tốt hơn.

Andrew Dunn, tác giả ứng dụng Siempo, đánh giá trên Business Insider: "Giải pháp của Apple giống như những gì ngành công nghiệp đánh bạc đã làm để khắc phục nạn nghiện cờ bạc: Rải tờ rơi quanh các sòng bài nói về những vấn đề mà người chơi có thể gặp phải".

 Con người ngày càng phụ thuộc vào smartphone. Ảnh: DailyExpress

Trong khi đó, theo tạp chí Wired, Steve Jobs đã thay đổi thế giới khi cho ra đời iPhone năm 2007, tái định nghĩa chiếc điện thoại mà con người sử dụng hàng ngày. Một năm sau đó, kho ứng dụng App Store tiếp tục mở ra một thế giới mới. Mọi nhu cầu của cuộc sống có thể được giải quyết thông qua một vài cú chạm trên ứng dụng, như gọi xe, hẹn hò, đặt hàng...

"iPhone và iPad nằm trong số những công cụ mạnh mẽ nhất được tạo ra", Craig Federighi, Phó chủ tịch Apple, nhấn mạnh trong sự kiện WWDC ngày 5/6 tại San Jose (Mỹ). "Nhưng các ứng dụng khiến chúng ta sử dụng điện thoại cả khi chúng ta thực sự nên dành thời gian cho việc khác. Chúng gửi tới hàng loạt nhắc báo để lôi kéo sự chú ý vì sợ ta bỏ lỡ. Chúng ta không nhận ra mình đã trở nên xao lãng với nhiều thứ khác như thế nào".

Vì vậy, sau 10 năm cho ra đời App Store, Apple muốn chữa chứng bệnh mà họ đã góp phần đẩy mạnh - chứng nghiện điện thoại. Từ iOS 12, người dùng có thể đặt giới hạn thời gian sử dụng cho mỗi ứng dụng nhất định, nhóm các thông báo lại với nhau và kích hoạt chế độ "Không làm phiền" khi đi ngủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một nghịch lý là nếu bật chế độ "Không làm phiền", người dùng có khi lại càng không yên tâm và nghĩ nhiều hơn về việc liệu có tin nhắn nào vừa đến không, liệu có ai vừa bình luận trên Facebook không... và họ lại càng nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn.