Công ty CP nhiệt điện Hải phòng: Liệu có "ưu ái" cho nhà thầu trong gói thầu số 1

Admin
Có hay không chuyện \"ưu ái\" cho nhà thầu có nhiều vấn đề về giải pháp kỹ thuật để trúng thầu trong khi Genco 2 đã cho rằng là không phù hợp.

 Hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2. Ảnh Thiên Trường


Những ngày gần đây, Công ty CP Nhiệt điện Hải phòng đang tiến hành Dự án nâng cấp hệ thống xử lý khí thải nhà máy Nhiệt điện Hải phòng 1 và 2 là dự án nhóm B có giá trị dự toán được phê duyệt hơn 1.000 tỷ đồng. Trong dự án này, có gói thầu số 1: Thiết kế, cung cấp, lắp đặt thiết bị hệ thống khử NOx và cải tạo, nâng cấp hệ thống khử SO2 (FGD). Đây là gói thầu đấu thầu quốc tế rộng rãi theo phương thức 2 giai đoạn, 2 túi hồ sơ.

Sau khi kết thúc quá trình xét thầu giai đoạn 1, Tổ chuyên gia xét thầu đã có kết luận đề nghị chính thức có 4 nhà thầu vượt qua giai đoạn kỹ thuật và một nhà thầu Liên danh là KPDE-AMECC là có nhiều vấn đề đáng bàn. Trước tình hình trên, phía Công ty CP Nhiệt điện Hải phòng đã gửi công văn xin ý kiến của công ty mẹ là Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO 2).

 Văn bản mà Genco2 nêu rõ Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Liên danh nhà thầu KDPE-AMECC, nhà thầu công bố các khối lượng không thực hiện trong Hồ sơ dự thầu là không phù hợp.

Trong công văn trả lời 746/GENCO 2 – QLĐT ngày 06/03/2018 có nêu rõ “Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Liên danh nhà thầu KDPE-AMECC, nhà thầu công bố các khối lượng không thực hiện trong Hồ sơ dự thầu là không phù hợp với phạm vi công việc của gói thầu theo phạm vi cung cấp của Hồ sơ mời thầu khoản 1 mục II Chương V. Do đó, Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu cơ bản theo quy định tại mục 27 Chương I của Hồ sơ Mời thầu”. Điều này có nghĩa là chỉ có còn lại 4 nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật để tham gia tiếp giai đoạn 2.

Cũng chính trong công văn này, GENCO 2 đã nêu rõ “Đối với nội dung kỹ thuật chính hiệu chỉnh sửa đổi trong giai đoạn 2, Tổng công ty yêu cầu Người đại diện chỉ đạo Nhiệt điện Hải phòng, Tư vấn tính toán, thiết kế chi tiết về gia cố các cột bê tông hiện hữu để đặt các bộ SCR làm cơ sở các nhà thầu chào trên cùng một mặt bằng trong giai đoạn 2”. Dựa trên sự chấp thuận này, trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 2, đơn vị tư vấn (Viện Năng lượng) đã bổ sung một số yêu cầu kỹ thuât cho hạng mục này.

Điều đáng nói là mặc dù đã có văn bản trả lời rõ ràng của GENCO2 nhưng hiện nay Công ty Nhiệt điện Hải Phòng gửi công văn tới GENCO 2 xin ý kiến phê duyệt cho chính nhà thầu KPDE-AMECC để được vào thương thảo ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, trong báo cáo xét thầu, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) đã có ý kiến bảo lưu nêu rất rõ là do các nhà thầu có các giải pháp kỹ thuật rất khác nhau (tất nhiên là với các cấp độ đáp ứng Hồ sơ mời thầu khác nhau) với giá cả cũng rất khác nhau: thấp nhất là 1,8 tỷ đồng và cao nhất là 57 tỷ đồng; cho nên giá đánh giá của các nhà thầu bắt buộc phải đưa về một mặt bằng kỹ thuật để so sánh.

Ý kiến bảo lưu nêu rõ: "Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Việc xếp hạng nhà thầu mà chưa hiệu chỉnh sai lệch là chưa thể hiện tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu theo quy định của pháp luật và không phù hợp với yêu cầu của HSMT.

Thêm nữa, theo công văn số 746/GENCO2-QLĐT ngày 06/03/2018 của Tổng công ty phát điện 2 đã nêu rõ “Đối với nội dung kỹ thuật chính hiệu chỉnh sửa đổi trong giai đoạn 2, Tổng công ty yêu cầu NĐD chỉ đạo NĐHP, Tư vấn tính toán, thiết kế chi tiết về giai cố các cột bê tông hiện hữu để đặt các bộ SCR làm cơ sở các nhà thầu chào trên cùng một mặt bằng trong giai đoạn 2....”. HSMT giai đoạn 2 đã thể hiện được các nội dung khối lượng công việc nhà thầu phải thực hiện. Tuy nhiên, một số nhà thầu đề xuất thiếu một số nội dung công việc, có nhà thầu lại đề xuất thừa khối lượng. Chủ đầu tư cần xác định cơ sở để đánh giá đưa các nhà thầu về cùng một mặt bằng để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trước khi xếp hạng nhà thầu".

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để rà soát kiểm tra lại một dự án rất quan trọng của ngành điện, tránh để Bộ Công thương sau một thời gian nữa lại phải đi xử lý hậu quả giống như “12 dự án thua lỗ nghìn tỷ" đã là bài học đau đớn của ngành.