Giáo dục

Công và tư chẳng công bằng, nạn chạy trường sẽ không thể "nguội"

Đầu tư trường công tiểu học, THCS vài trăm tỷ đã “vô tình” tạo ra sự lãng phí ngay trong hệ thống giữa các trường công và tư.

Biết quá tải nhưng khó xử lí

Vấn nạn chạy trường không lúc nào là "nguội" đối với Hà Nội, mặc dù câu chuyện này luôn được các cấp quản lí quán triệt tình thần cao trong mỗi đầu năm học.

Mất tiền hoặc dùng quan hệ để cho con vào học không còn là hiếm.

Tuy nhiên, khi được hỏi thì hầu như không mấy ai tiện nói ra vì đây là câu chuyện tế nhị giữa các phụ huynh.

Thực tế hiện nay ở nhiều quận ở Hà Nội, học sinh lớp 1 phải học tập trong những lớp học chật hẹp với sĩ số lớp trên 50-60 học sinh.

Hệ quả tất yếu là cô không thể chuyển tải kiến thức, quan tâm hết từng đó học trò trong mỗi giờ học chỉ có 35 phút.

Chuyện học ở trường công, học sinh quá tải, không có diện tích vui chơi, chạy nhảy là chuyện có thật ở Hà Nội.

Xử lí vấn đề này rất khó vì quỹ đất có hạn và cần phải quy hoạch lại mạng lưới.

Theo điều lệ trường tiểu học, diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền với bình quân tối thiểu 10m2/một học sinh đối với khu vực nông thôn, miền núi; 6m2 / một học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã. Khu đất làm sân chơi, sân tập không dưới 30% diện tích mặt bằng của trường.

Quy định là thế nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Thậm chí, việc quy hoạch hệ thống trường công và trường tư còn chưa phù hợp với quy mô, mạng lưới, dẫn đến việc ở các quận ở Hà Nội vẫn thiếu chỗ học cho học sinh, còn tạo cơ hội cho nhiều gia đình có tiền, có quan hệ “chạy” vào những ngôi trường chất lượng.

THCS Nghia Tan
Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) được đầu tư xây dựng 350 tỷ đồng.

Do đó, cả trường công và trường tư càng có thương hiệu thì lại càng dẫn đến việc quá tải.

Đơn cử như tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (ở khu đô thị Mỹ Đình) là những trường tư thục lâu đời ở Hà Nội trong tháng 5 hàng năm đều đông kín phụ huynh học sinh đến xếp hàng nộp đơn.

Năm học 2016-2017, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm thông báo tuyển sinh 19 lớp 1, con số tăng lên theo "nhu cầu của phụ huynh".

Làm phép tính nhỏ, một trường tiểu học diện tích chỉ có hơn 5.000 m2 đất trong khi có khoảng 3.000 em học sinh/100 lớp học.

Với số lượng này rõ ràng không đáp ứng được chuẩn. Cuối năm 2015, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã bị phụ huynh phản ánh về việc thu gom thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Nhiều người đặt câu hỏi ngược lại rằng, liệu có đúng thực chất là các trường tại Hà Nội đang bị quá tải hay là do các cấp đặt lỏng quản lí vấn đề tuyển sinh? Các tiêu chí mà Điều lệ trường học đưa ra như vậy nhưng ai là người giám sát các tiêu chí đó? Câu hỏi này cần có lời giải.

Bỏ vài trăm tỷ xây trường

Đầu tư vài trăm tỷ để xây dựng trường liệu có phải là một sự lãng phí lớn, trong khi với số tiền này có thể đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục hoặc xây dựng thêm các trường cơ bản để cho con những gia đình có mức sống cơ bản cũng được đi học?

Chúng ta vẫn nói thiếu kinh phí xây dựng trường tiểu học hay THCS, nhưng một số quận của Hà Nội vẫn mọc lên những ngôi trường “siêu to” có kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả trong một quận, hai trường gần nhau nhưng có cơ sở vật chất hoàn toàn khác nhau.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, liệu các trường có mức xây dựng khủng như vậy thì chất lượng có tương xứng hay không hay chỉ cao trong kinh phí xây dựng?

Các trường này được nhà nước rót ngân sách từ chi phí đầu tư đến lương giáo viên nhưng vẫn được thu thêm các khoản dịch vụ phát sinh khác.

Chính mô hình này đã nảy sinh nhiều vấn đề. Một là gây áp lực cho trường tư thục, thậm chí "bóp chết" trường tư thục vì cơ sở vật chất tốt hơn mà khoản thu thấp hơn.

gdvn THCS Nam Tu Liem
Trường THCS chất lượng cao Nam Từ Liêm ngày càng khó tuyển sinh hơn. Ảnh Phương Thảo

Các trường được đầu tư với kinh phí lớn và luôn được các phụ huynh “săn đón”, một cuộc chạy đua ngầm đến các trường này vô tình đã “vô tình” làm mất bình đẳng giữa các trường công, vừa làm nạn chạy trường càng trở nên nhức nhối…

Cách đây 2 năm, dư luận xôn xao về việc khánh thành trường THCS Nghĩa Tân nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội với tổng số vốn đầu tư lên tới 350 tỷ đồng.

Ngân sách của TP Hà Nội đã phải đầu tư thêm để “biến” những trường công lập bình thường thành trường chất lượng cao (kể cả những trường thí điểm chất lượng cao) là khá lớn.

Báo chí cũng phản ánh, Trường THCS Nam Từ Liêm được xây với kinh phí là 97 tỷ đồng, mặc dù ở địa bàn Nam Từ Liêm từ lâu đã được xem là "đô thị giáo dục" với hàng loạt trường như Lê Quý Đôn, Quốc tế Việt-Úc Hà Nội, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop, Marie Curie…

Tuy đầu tư hoành tráng nhưng từ khi chuyển sang mô hình chất lượng cao, trường THCS Nam Từ Liêm lại khó tuyển sinh hơn.

Những trường vài trăm tỷ được gắn mác “chất lượng cao” được xây dựng ra để làm gì trong khi Hà Nội và Nhà nước có chủ trương thành lập trường chuyên để đào tạo học sinh giỏi như Amsterdam và Chu Văn An?.

Làm sao để công bằng?

Từ lâu nhà nước đã có chủ trương và kêu gọi xã hội hóa giáo dục, mời các nhà đầu tư tham gia chia sẻ gánh nặng với nhà nước.

Ở các nước phát triển, hệ thống trường công là dành cho toàn dân (những đối tượng được hưởng phúc lợi xã hội). Những trường công này có cơ sở vật chất đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn, học sinh được hỗ trợ tiền học phí.

Ngược lại, trường tư có sự khác biệt, bên cạnh cơ sở vật chất tốt hơn, họ còn lồng ghép vào chương trình học những môn nâng cao, khác biệt hơn các trường công. Chất lượng nâng cao đồng nghĩa với việc phụ huynh phải trả thêm tiền.

TS. Lê Tiến Thành, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước hoàn toàn đúng nhưng vấn đề các địa phương thực hiện như thế nào.

Hiện nay, các trường tư đang nhận trách nhiệm chia sẻ với trường công, tạo thêm nhiều cơ hội học tập đối với các em học sinh trong khi nhà nước không mất ngân sách để xây dựng và trả lương cho giáo viên. Trong khi đó, trường công có trường mất vài trăm tỷ đồng để đầu tư.

Theo vị này, nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ để tạo điều kiện nuôi dưỡng các trường tư để phục vụ các học sinh, đồng thời gánh đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp.

Tuy nhiên, hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tổ chức tuyển sinh đảm bảo quyền được học tập của học sinh, công khai, minh bạch và thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục của địa phương.

Bộ GD&ĐT đã nhìn ra vấn đề và đã yêu cầu các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường, các lớp.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP