Củ hành, vị thuốc đa năng

Lợi Trần
Củ hành là một vị thuốc độc đáo trong Đông y. Hành vị cay, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế và vị. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ hành.

Cảm cúm, ho sốt, đau họng, nhức đầu, chóng mặt: Củ hành lá tươi rửa sạch giã nhuyễn lấy nước cốt hoặc pha loãng tẩm bông nhét vào lỗ mũi hoặc cho vào nước sôi để xông mũi. Hoặc tăng cường dùng hành sống, tái, xào... vào các món ăn hàng ngày; nấu cháo nhừ cho hành (củ đập dập, lá thái nhỏ) cùng lá tía tô tươi thái chỉ vào cháo, để một lúc nhấc ra ăn nóng, nằm đắp chăn cho ra mồ hôi; nấu nước sôi rồi cho hành hãm lấy nước uống; nấu canh, gồm hành tươi 4 - 5 củ, gừng tươi 3 lát. Nếu thêm đậu xị 12g sẽ có hiệu quả cao hơn (thông xị ẩm).

Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa: Hành khô 5 củ, gừng khô 2 lát sao qua cho thơm, sắc nước uống.

Thoát dương: Ra mồ hôi đầm đìa, chân tay lạnh ngắt thường xảy ra sau thượng thổ hạ tả (tiêu chảy, mửa) uống nước gừng, hành khô, đồng thời dùng 2 thứ đó giã nhuyễn xào nóng đắp lên rốn (tránh gây bỏng).

Bí tiểu tiện: Luộc hành tươi uống nước, bã đắp (với ít muối) lên huyệt khí hải (bụng dưới). Nếu giã thêm 2 con giun đất to, mới đào, trộn đắp cùng, hiệu quả càng cao. Chân phù, nấu nước hành xông, ngâm.

 


Đau bụng do giun đũa, giun chui ống mật: 100g hành tươi giã vắt lấy nước cốt hòa với dầu vừng 50g để uống (vào lúc đói thì tốt hơn và cần kết hợp tây y để chẩn đoán loại trừ đau bụng ngoại khoa).

Chữa giun kim: Lấy hành tươi giã vắt lấy nước cốt cho vào hậu môn hoặc hòa thêm nước nguội ngâm vào các buổi tối, nhất là khi thấy ngứa hậu môn.

Đường huyết cao: Dùng hành tươi nhúng tái chấm tương ăn vào thời điểm trong hoặc ngoài bữa ăn, để ăn được tương đối thường xuyên.

Suy nhược thể lực và thần kinh, mất ngủ, ăn không ngon miệng: Lấy 2 củ hành tươi với 300g đường cho vào 300ml nước. Nấu uống sáng, chiều, tối. Mỗi lần 1 thìa to (thìa múc canh) (gọi là sirô hành).

Lưu ý: Tránh dùng cho người dương thịnh, hỏa bốc, không dùng ở trường hợp âm hư hỏa vượng (huyết áp cao). Không ăn quá nhiều sẽ gây mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi. Phụ nữ thường có kinh sớm, kinh nhiều, kinh lỏng đỏ, tránh ăn nhiều hành. 

Tác giả bài viết: BS. Phó Thuần Hương