Cử tri Hải Phòng: Đề nghị làm rõ giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng

Lan Anh
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi ngay từ đầu với tinh thần trách nhiệm cao; nội dung cử tri, nhân dân quan tâm đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải trình làm rõ và phân tích, đánh giá một cách trực diện, tổng quát mặt được cũng như tồn tại, hạn chế, đưa ra giải pháp, nhiệm vụ sát thực, khả thi. Đây là nhận định chung của cử tri thành phố Hải Phòng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 11/11.
quan-li-vang-1731312719.jpg

Thạc sĩ Phạm Văn Luân, Giảng viên Khoa Hàng hải, trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11 sôi nổi ngay từ đầu với tinh thần trách nhiệm cao, nội dung sát thực tiễn. Ảnh: TTXVN phát

Thạc sĩ Phạm Văn Luân, giảng viên Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, xuyên suốt phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân tích, làm rõ mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn vừa đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần đặt lên hàng đầu.

Quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, anh Phạm Văn Luân cho rằng, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tại Hải Phòng, đến nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay đến nay đạt 16.754 tỷ đồng, với trên 967 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 11.716 tỷ đồng, bằng 70% doanh số cho vay. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.216 tỷ đồng, tăng 3.356 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 107 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 48 triệu đồng, tăng 33 triệu đồng so năm 2014; hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Trong đó dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 3.674 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.542 tỷ đồng, chiếm 30%/tổng dư nợ...

Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao thời gian tới, cử tri đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn chỉ đạo hữu hiệu hơn để các ngành liên quan, địa phương xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là hoạt động thường xuyên, liên tục trong chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị. Tín dụng chính sách được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.

Chị Trần Ngọc Dung, Công ty Cổ phần vận tải biển và xuất khẩu lao động (ISALCO) tâm đắc với phát biểu của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đề nghị làm rõ giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, thời gian qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này thời gian tới.

Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn phân tích mặt được và chưa được trong quản lý thị trường vàng hiện nay. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, thị trường vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra chính sách phù hợp ổn định thị trường vàng thời gian tới.

Theo chị Trần Ngọc Dung, để ổn định thị trường vàng cần ưu tiên giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tỷ giá hối đoái ổn định nhằm giảm bớt sức ép lên giá vàng; xây dựng và thực hiện chính sách quản lý vàng một cách rõ ràng, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, nhà đầu tư. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và xuất khẩu vàng để duy trì nguồn cung vàng trong nước ổn định, tránh tình trạng khan hiếm hoặc dư thừa. Sử dụng chính sách lãi suất và tín dụng một cách linh hoạt để kiểm soát lượng tiền lưu thông, giảm áp lực lên giá vàng.