Cục Bổ trợ tư pháp phổ biến các quy định mới cho giới luật sư Hải Phòng

Admin
Ngày 15/3, Sở Tư pháp TP Hải Phòng tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt một số quy định mới về luật sư. Bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu nội dung và hướng dẫn luật sư Hải Phòng các quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.

 Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 63 đoàn luật sư được thành lập tại 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với hơn 13.000 luật sư; khoảng 5000 người tập sự hành nghề tại hơn 4000 tổ chức hành nghề luật sư và gần 80 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Hoạt động hành nghề luật sư trong thời gian qua đã cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu giúp đỡ pháp lý cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo về kết quả 04 năm thực hiện Nghị định số 123/2013/NĐ-CP thì bên cạnh kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động của luật sư còn một số tồn tại, hạn chế do Nghị định này còn thiếu một số quy định cụ thể hướng dẫn thi hành hoặc hướng dẫn chưa rõ nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các địa phương, gây lúng túng trong quản lý.

 Đồng chí Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp phổ biến các quy định mới

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, trước yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 25/11/2018) sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.

Hải Phòng 77 tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư và 206 luật sư, trong đó có 193 luật sư thuộc đoàn luật sư Hải Phòng và 13 trường hợp thuộc Đoàn luật sư tỉnh khác đang hành nghề tại chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại Hải Phòng. Để công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư đạt hiệu quả, việc phổ biến các quy định mới liên quan đến nghề luật sư là vô cùng quan trọng.

Nghị định số 137/2018/NĐ-CP đã bổ sung 5 điều, sửa đổi 6 điều, bãi bỏ 01 điều, giữ nguyên 8 điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định mới đã sửa đổi các quy định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức Đại hội của tổ chức xã hội – nghề nghiệp và thủ tục bãi nhiệm các chức danh của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, thu hồi giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, thu hồi giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài. .

Tức là, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân sẽ bị thu hồi trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư, luật sư không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động quá sáu tháng, kể từ ngày hết thời hạn tạm ngừng hoạt động.

 Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư tại Hải Phòng

Nghị định mới cũng bổ sung một trường hợp không được miễn đào tạo nghề luật, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư là những người đã xử lý hình sự hoặc kỷ luật đến mức bị cách chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên, tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật.

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 137 /2018/NĐ-CP đánh dấu một bước phát triển trong quá trình hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, từng bước góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư cũng như vai trò của luật sư trong xã hội.