Khai sơn tìm lộc
Khi những nhành mai Tết còn chưa kịp tàn, cả bầu trời thảo nguyên M'dark chìm trong màu trắng tinh khôi của màn sương huyền ảo cũng là lúc nhóm "thợ săn" nhí "biến mất" vào rừng xanh. Những bước chân trần xám xịt và trầy xước ấy, đã bao mùa kiếm sống ở rừng vẫn không hề nao núng trước sự gian khó, hiểm nguy của thiên nhiên.
Món hằng ngày Tết được cánh nhà giàu săn đón nhiều nhất là đặc sản nho rừng. Thường thì mùa nho diễn ra vào khoảng tháng 11, 12 là hết nhưng do nhu cầu tiêu thụ cao của người miền xuôi nên Sùng Thao (thôn 7, xã Cư Róa, huyện M'drak, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tiếp tục đi vét những trái nho cuối vụ.
Mùa này, rừng đang thay lá, thảm thực vật không còn ẩm ướt xanh tốt nữa mà nhường chỗ cho những cơn gió ào ào như thác đổ, những dải lá vàng bay ngập trời, rì rào dưới gót chân người. Sùng Thao cho biết, đi rừng mùa này rất dễ tìm thấy nhau bởi sự thông thoáng của tán cây. Tuy nhiên lại rất khó chịu khi đụng phải sâu ngứa.
Hàng ngàn con sâu bị gió thổi cuốn băng những chùm lông, táp vào bất cứ đâu. Sau mỗi buổi trở về, Sùng Thao phải nhảy xuống ao rũ quần áo nhưng toàn thân cậu bé đã chi chít mẩn đỏ, ngứa rưng rức. Vì là dân trong nghề nên trong nhà Sùng Thao đã chuẩn bị sẵn bột lá đặc trị sâu ngứa.
Thứ này chỉ cần hòa với rượu bôi vào người sẽ đánh tan được mẩn đỏ, tiêu diệt cơn ngứa. Hỏi Sùng Thao về loại cây này, cậu gãi đầu: "Cái này bố mẹ làm thôi, em không biết".
Niềm vui của những sơn nhân nhí khi mùa nho rừng về. |
Trong nhóm "thợ săn" ở cánh rừng Cư Róa ngoài Sùng Thao còn có Sái Lở và Sái Đen, trong đó Thao là đàn anh dẫn đầu những cuộc "phá sơn" tìm lộc.
Ngày ấy, Sùng Thao theo các anh chị trong buôn chập chững làm sơn nhân. Một buổi chiều, hái được hơn một ký, mang ra điểm thu mua bán được 35 ngàn đồng. Nó "ôm" tiền lao thật nhanh về nhà khoe với mẹ. Mẹ nó mừng rơi nước mắt, ra ngay quán mua một chai rượu và mấy con cá khô về nhà ăn mừng thằng con đã trưởng thành.
Từ ngày kiếm được tiền, Sùng Thao chểnh mảng việc học, ngồi trên lớp mà tư tưởng chỉ nghĩ đến những chùm nho tím rịm, đỏ mọng. Cô giáo nhiều lần tới nhà động viên, khuyên nhủ nhưng chỉ được vài hôm nó vẫn quay lại suy nghĩ ban đầu về chùm nho.
10 tuổi, Sùng Thao vẫn phải ngồi ở lớp 3 bởi vốn liếng chữ nghĩa quá nghèo nàn. Nói về con, chị Xá Mẩn Loan ngậm ngùi: "Vợ chồng khuyên nó nhiều rồi, nhưng nó mê đi rừng lắm, không chịu học đâu".
Dù giá nho rừng khá cao, nhưng chị Loan vẫn cố dành lấy vài ký ngon nhất ngâm rượu đãi khách quý. Chị cho biết: "Thứ này chỉ ở rừng mới nguyên chất, mới quý chứ mang về thành phố người ta pha chế lung tung mất hết giá trị".
Nhà Sái Lở có vẻ khá giả hơn khi sở hữu vài chục lít rượu nho rừng. Toàn bộ số nho Lở đi hái đều chỉ phục vụ cho gia đình đãi khách bởi vì bố Sái Lở làm cán bộ thôn. Những đứa trẻ vì thích cuộc phiêu lưu rừng xanh, ước mơ kiếm tiền tiêu vặt mà đam mê.
Ban đầu người M'Nông đi hái nho về ngâm rượu uống cho khỏe mạnh hoặc chữa bệnh. Sau này nhiều người hỏi mua thì mới chuyển sang bán buôn và người đi hái lượm đông đúc hơn.
Nho rừng khác các loại nho trồng. Quả nho rừng tròn, to chỉ bằng đầu ngón tay, ăn xanh có vị chua, ăn chín thì chua ngọt và có vị thơm riêng biệt. Vì mọc trong rừng, trên trảng đất sỏi đá khô cằn nên chùm nho thưa quả và rất xấu mã.
Vào cuối vụ, một ngày Sùng Thao chỉ kiếm được hơn 1kg với những trái nho bé tẹo, chín rũ. Hái được nho chỉ là một công đoạn, việc vận chuyển ra khỏi rừng về tới nhà lành lặn đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhẹ nhàng và cực kỳ khéo léo. Chỉ cần một vài trái giập nát sẽ biến cả gùi nho thành đống xà bần nước tím, không thể bán được.
Nho rừng được nhiều người thành phố săn đón. |
"Đi săn" bọ cạp
Khi mùa nho rừng hết, nhóm trẻ chuyển sang săn bọ cạp. Tháng 3, thời tiết ở Tây Nguyên hanh khô, những đàn ong bay rợp trời đi lấy mật cũng là lúc đàn bọ cạp sau thời gian trú đông ra ngoài phơi nắng. Săn bọ cạp là sở trường của Sái Đen, nó hơn hẳn đàn anh Sùng Thao và Sái Lở.
Dường như da thịt của Sái Đen được bảo vệ bởi lớp giáp sắt có khả năng chống lại nọc độc của bọ cạp. Nhưng nó lắc đầu, chìa bàn tay chai cứng như vỏ cây thanh minh: "Làm gì có bí quyết nào, nếu bị bọ cạp chích thì vẫn sưng đỏ, đau tấy".
Sái Đen cho biết, bọ cạp "đi chơi" rầm rộ nhất vào những tháng mùa hè. Bây giờ chỉ là đầu mùa nên việc săn tìm rất khó nhưng bù lại giá cao. Mỗi con bọ cạp rừng đen nhánh, càng to như càng cua bán cho các quán nhậu giá 20 ngàn.
Bí quyết bắt bọ cạp rừng của nhóm này rất đơn giản. Chỉ cần một cái cây có móc sắt bẻ cong phía đầu và chiếc giỏ đeo bên mình là có thể nghênh ngang vào rừng. Bọ cạp khi ra khỏi hang thường lẩn trong các thân cây gỗ xù xì, mục nát hoặc nép mình dưới lớp lá vàng khô.
Khi phát hiện, thợ săn sẽ dùng cây đè vào giữa mình bọ cạp rồi dùng tay bẻ đứt phần đuôi chứa nọc. Một khi bị "tước vũ khí", bọ cạp rừng dù hung hãn đến đâu cũng chỉ như chú cua quẫy đạp trong giỏ. Hai chiếc càng mặc dù cố hết sức kẹp cũng không thể làm con người đau đớn, tái tê được.
Nghe bọn trẻ nói thì đơn giản vậy, nhưng thật ra mỗi cuộc đi săn, ai cũng phải "ăn" ít nhất là một nhát chích. Sùng Thao chìa ngón tay trỏ ra, chỉ vết sẹo tròn như hạt đỗ đen khoe: "Đây là vết thương do bọ cạp chích lần đầu tiên em đi săn. Hôm ấy, em phải trở về sớm vì không thể chịu nổi sự đau buốt, nhức nhối của nọc độc. Về tới nhà thì sốt rất cao, phải uống thuốc giảm đau. Chỗ bọ cạp chích hôm sau sưng tấy, mưng mủ, phải cả tháng sau mới lành lặn rồi để lại sẹo như thế này".
Ai đã từng bị bọ cạp rừng chích sẽ hiểu được sự khủng khiếp đến mức nào. Tuy nhiên, nếu chịu được cú chích đầu tiên thì tự nhiên sức đề kháng sẽ tăng lên, cú chích tiếp theo sẽ giảm đau, có thể chịu đựng được.
Trong nhóm, Sái Đen chịu đau kiên cường nhất. Mỗi lần bị bọ cạp chích, nó nghiến răng, nắm chặt tay rồi nhanh chóng nhai lá rừng bôi vào. Khoảng mười phút, nó tiếp tục cuộc săn.
Săn bọ cạp càng về chiều càng hiệu quả, bởi chúng di chuyển chậm tìm hang trú ẩn. Đặc biệt, bọ cạp cái với chiếc bụng to kềnh chậm chạp hễ mặt trời lặn là trở về hang, nên chỉ cần phục kích tại hang là tóm gọn.
"Lộc rừng" có cả những tảng mật ong khổng lồ, quý giá. |
Những ngày này, vẫn còn dư âm của Tết nên bọ cạp chính là món ăn lạ được nhiều "bợm nhậu" săn lùng. Mỗi cuộc trở về, chỉ cần trong giỏ có chục con bọ cạp là đã cầm chắc tiền trăm trong tay. Nói là vậy, nhưng phía sau chiếc giỏ lúc lắc đen xì bọ cạp chính là mối hiểm nguy thường trực có thể đổ ập lên đầu "thợ săn" bất cứ lúc nào.
Sùng Thao cho biết, sợ nhất là gặp rắn độc bất thình lình mổ trúng người. Điều này trước khi đi rừng chúng đã được người lớn cảnh báo rất nhiều. Chỉ có một cách duy nhất là nếu bị rắn cắn thì lấy dây cỏ tranh bó vào rồi trở về nhà ngay lập tức.
Hạn chế việc chạy hoặc đi bộ mà phải có người cõng. Ngoài ra, đi săn bọ cạp trùng với mùa con ong đi lấy mật, nên độ hiểm nguy càng tăng thêm. Ong vò vẽ hoặc ong đất con nào con nấy to như đầu đũa. Chúng bay khắp nơi trong rừng tìm hoa lấy mật.
Nếu gặp cản trở trên hành trình của mình, chúng sẵn sàng ập vào tấn công con người. Để đối phó với ong rừng, cách tốt nhất là tránh xa và đừng bao giờ quấy phá công việc của chúng. Sái Đen bật bí: "Một nốt chích của ong rừng cũng "ngọt ngào" chẳng khác nào vết châm của bọ cạp".
Rừng cho bọn trẻ những đồng tiền, để vun vén khát vọng ăn no mặc đẹp cùng những chuyến ra phố thị vui chơi mùa lễ hội tháng Giêng đang rộn rã khắp Tây Nguyên, nên những cuộc "đi săn" bọ cạp chưa bao giờ là "nguội".