Cuộc sống của doanh nhân Triều Tiên dính líu đến nghi án Kim Jong-nam

Admin
Ri Jong-chol, doanh nhân liên quan đến vụ sát hại người bị nghi là Kim Jong-nam, đã tuồn hàng hóa về Triều Tiên, lách lệnh trừng phạt.

 Ri Jong-chol (phải) bị cảnh sát áp giải tháng 2/2017 vì dính líu đến nghi án Kim Jong-nam. Ảnh: Reuters.

Ri Jong-chol, ngoài 40 tuổi, bị nghi đã cung cấp xe cho các nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol ngày 13/2 năm ngoái ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Kim Chol được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hai phụ nữ bôi chất độc lên mặt Kim Chol, trong đó có công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, đang bị xét xử tội giết người. Họ không nhận tội và nói rằng họ tưởng đó chỉ là trò chơi khăm.

Ri là một trong số hàng trăm người Triều Tiên ở nước ngoài bị Mỹ và Liên Hợp Quốc cáo buộc giúp Bình Nhưỡng lách lệnh trừng phạt bằng cách gửi về tiền mặt và hàng hóa. Máy tính và điện thoại của Ri đã bị giới chức tịch thu vào năm ngoái, hé lộ nhiều chi tiết trong công việc làm ăn của ông ta.

Ông ta đến Malaysia một cách tình cờ. Năm 1997, doanh nhân Malaysia Chong Ah Kow, người điều hành một công ty y học cổ truyền, đến Bình Nhưỡng và gặp chú của Ri, một nhà khoa học nổi tiếng ở Triều Tiên. Chong quan tâm đến các biện pháp chữa bệnh ung thư và chú của Ri đã phát triển một chiết xuất nấm để điều trị các khối u. Cuối năm 2013, Ri đề nghị hỗ trợ xuất khẩu thuốc này sang Malaysia. Đáp lại, Chong đã giúp Ri và gia đình ông ta có visa làm việc ở Malaysia.

Gia đình Ri định cư ở một khu vực trung lưu của Kuala Lumpur và ít giao tiếp với hàng xóm. Ri không thông thạo tiếng Anh nên thường nhờ con gái mình là Yu Gyong làm phiên dịch trong các cuộc giao dịch làm ăn. Yu đã học tại Đại học HELP, ngôi trường Malaysia năm 2013 trao cho Kim Jong-un bằng tiến sĩ kinh tế học danh dự.

Ông ta bắt đầu kinh doanh tại Malaysia bằng việc mua dầu cọ, xà phòng và các mặt hàng khác để xuất khẩu về Triều Tiên. Đến năm 2015, nhà cung cấp chính của ông là Octo Plus Resources, công ty của người có tên Gan Chee Lim. Với sự giúp đỡ của Gan và mạng lưới người gốc Triều ở Trung Quốc, Ri và con gái ông đã sắp xếp vận chuyển hàng hóa từ Malaysia qua Đại Liên ở Trung Quốc đến cảng Nampo của Triều Tiên.

Những sản phẩm này không bị cấm theo lệnh trừng phạt, nhưng một công ty mà Ri đại diện là Tập đoàn Kinh tế & Thương mại Singwang đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 3/2016 vì coi đó là công ty con của quân đội Triều Tiên. Liên Hợp Quốc cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty trong năm đó.

Tài liệu trong laptop cho thấy ông này đã chuyển hàng hóa trị giá 250.000 USD đến Triều Tiên trong 9 tháng cho đến tháng 1/2017. Ri còn phát triển việc làm ăn đến nhiều nơi khác. Ri và con gái có kế hoạch nhập khẩu than Triều Tiên vào Malaysia thông qua Nga để kiếm phí môi giới. Họ cũng thảo luận về việc mua kho hàng ở Port Klang, Malaysia.

Ri còn theo đuổi dự án liên kết với một nhóm lập trình viên máy tính ở Thẩm Dương, Trung Quốc, để tiếp thị phần mềm chụp ảnh y khoa được sử dụng trong chụp CT. Kế hoạch của họ là sao chép phần mềm lậu sau khi đánh cắp dữ liệu từ công ty sản xuất chúng. Ngoài ra, ông ta thu xếp để chuyển 50.000 chai rượu vang Ý về cho giới thượng lưu Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt với hàng xa xỉ của Liên Hợp Quốc.

Gia đình ông ta còn mua sắm cả cần cẩu công nghiệp. Tháng 1/2017, Ri yêu cầu công ty TL Mobile Crane Services ở Malaysia báo giá cho hai cần cẩu đã qua sử dụng. Công ty này nói rằng họ không thực hiện thỏa thuận với Triều Tiên, tuy nhiên, tháng 5/2017, truyền hình Triều Tiên trưng bày một cần cẩu Nhật được sử dụng trong việc phóng tên lửa tầm trung. Bức ảnh trên điện thoại của con gái Ri cho thấy cần cẩu tương tự. Liên Hợp Quốc sau đó cấm xuất khẩu máy móc hạng nặng sang Triều Tiên.

 Cần cẩu được sử dụng khi Triều Tiên phóng tên lửa tháng 5/2015. Ảnh: KCNA.

Ngày Kim Chol bị giết tại sân bay, Ri đã gặp Gan để thảo luận về kế hoạch nhập xà phòng mới. Tuy nhiên, 4 ngày sau, Ri bị bắt. Gan gửi cho Ri tin nhắn: "Anh có bị ảnh hưởng bởi những tin tức gần đây không?" nhưng không nhận được hồi đáp.

Gia đình Ri sau đó được phép rời khỏi Malaysia theo thỏa thuận cho phép người Malaysia bị giữ ở Triều Tiên được phép trở về nhà. Cảnh sát Malaysia cho biết họ thiếu bằng chứng để buộc tội Ri trong vụ giết người.

Giới chuyên gia nói rằng Ri chỉ là một trong số nhiều người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài để giúp Bình Nhưỡng lách lệnh trừng phạt. "Triều Tiên có cả một đội quân những người như vậy", Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.