Cuốn phăng Ukraine, 'cơn lốc' Hà Lan thách thức mọi đối thủ tại EURO 2020

Admin
Mọi đối thủ của Hà Lan tại EURO 2020 sẽ phải lo lắng ít nhiều sau khi xem màn trình diễn của thầy trò Frank De Boer trước Ukraine.

Câu chuyện của tuyển Hà Lan trước thềm EURO 2020 là một vở bi hài kịch. Mất trung Virgil Van Dijk, chơi kém ở loạt trận giao hữu, cùng nghi ngại xuất hiện xung quanh năng lực của HLV Frank De Boer khiến Hà Lan không được đánh giá cao.

Tuy nhiên, giới chuyên môn sẽ thay đổi quan điểm nếu trận nào, Hà Lan cũng đá như trận gặp Ukraine rạng sáng nay (14/6).

 Hà Lan thăng hoa trước Ukraine.

Cuốn phăng đội tuyển Ukraine

Trước trận đấu, CĐV Hà Lan thuê một chuyên cơ chở theo thông điệp yêu cầu HLV De Boer sử dụng sơ đồ 4-3-3, thay cho công thức 3-5-2 đang áp dụng. Với CĐV Hà Lan, De Boer là kẻ gàn dở, bị Inter Milan sa thải sau 84 ngày và Crystal Palace đuổi việc sau 77 ngày.

Việc CĐV công khai chỉ dạy chiến thuật cho HLV là minh chứng cho niềm tin vào De Boer đã xuống rất thấp. Giới mộ điệu không tin De Boer, và giống như chiếc lò xo, càng bị nén mạnh, Hà Lan càng bung tỏa mạnh mẽ.

Trên sân bóng mang tên "triết gia" bóng đá Johan Cruyff, Hà Lan giải nghĩa bóng đá bằng lát cắt nguyên bản nhất: tấn công để ghi bàn.

Ngay phút thứ 2, Memphis Depay rê bóng vượt 3 cầu thủ Ukraine để tạo cơ hội nguy hiểm. Depay băng lên như ngọn gió đầu, kéo theo cơn lốc cuốn phẳng mọi vật cản trên đường đi ở phía sau.

 Depay (số 10) thể hiện phẩm chất thủ lĩnh.

Hà Lan tạo ra hàng tá cơ hội ăn bàn (7 cú sút trong 20 phút đầu) và duy trì cường độ chơi bóng gấp gáp gần như cả trận. Với sơ đồ 3-5-2, Denzel Dumfries, cầu thủ chạy cánh phải, phát huy tối đa năng lực với các pha chạy chỗ tạo điểm cắt bên trọng.

Ở tuyến giữa, Marten de Roon, Georginio Wijnaldum và Frenie de Jong luân chuyển bóng với tốc độ chóng mặt. Có cảm giác, Hà Lan luôn có đông đảo quân số ở mọi không gian trên sân.

Ukraine không dễ bị bắt nạt. Ở vòng loại, thầy trò HLV Andriy Shevchenko giành ngôi đầu với 20 điểm, xếp trên đương kim vô địch EURO Bồ Đào Nha. Ukraine chỉ thủng lưới 4 bàn ở vòng loại nhờ lối đá phòng ngự khoa học và phản công sắc bén. Song, tuyến hậu vệ Ukraine vẫn vỡ vụn trước sự hỗn loạn có tổ chức của Hà Lan.

Cả 2 bàn thắng của "cơn lốc màu da cam" trong 7 phút ở hiệp 2 đều xuất phát từ những miếng đánh bài bản: Dumfries bứt tốc ở cánh để tạo ra sự hỗn loạn, phía bên trong, các cầu thủ tùy cơ ứng biến giải quyết tình huống.

Hà Lan không tấn công phức tạp, chủ yếu lật biên từ trái sang phải để Dumfries xâm nhập ghi bàn, hoặc nhả bóng lại tuyến hai cho Wijnaldum dứt điểm. Nhưng, cách đá của Hà Lan vẫn có tính sát thương nhờ cường độ chơi bóng ấn tượng dựa trên tốc độ, nỗ lực của các cầu thủ.

 Dumfries chơi xuất sắc.

Ngoài ra, HLV De Boer còn ghi dấu ấn với cách dùng Wijnaldum. Ông cho phép học trò tiếp cận vòng cấm nhiều hơn, hiệu quả đã đến. Cây bút Alex Golberg của BBC nói rằng khác biệt trong khâu dùng người của De Boer đã làm nổi bật tài nghệ săn bàn của Wijnaldum - cầu thủ đã có 23 bàn cho Hà Lan, ngang bằng một tiền đạo như Dirt Kuyt.

"Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với De Boer. Hà Lan đến với EURO 2020 bằng sự run rẩy, song đã có được chiến thắng", tờ Telegraaf cảm thán.

Lối đá tấn công tổng lực trên diện rộng của Hà Lan gợi nhớ hình ảnh EURO 2008. Giải đấu trên đất Áo và Thụy Sĩ, Hà Lan đã vượt bảng tử thần bằng 9 bàn thắng trút vào lưới Italy, Pháp và Romania.

Màn trình diễn của Hà Lan có thể phần nào được cường điệu do đã vắng bóng ở sân chơi quốc tế suốt 7 năm, nhưng bữa tiệc bóng đá thịnh soạn ở Johan Cruyff Arena cho thấy đội bóng của De Boer xứng đáng được tôn trọng.

 Wijnaldum chơi hiệu quả dưới thời De Boer.

Hà Lan đầy khiếm khuyết

Tất nhiên, Hà Lan của De Boer chưa phải phiên bản hoàn hảo. Thế áp đảo của "cơn lốc màu da cam" trước Ukraine được hình thành từ năng lực chơi bóng và quyết tâm của các cầu thủ. Yếu tố thứ hai không phải bất biến. Hà Lan không thể lúc nào cũng căng mình ra đá và chạy liên tục như trận đấu rạng sáng nay.

EURO 2008, Hà Lan của HLV Marco van Basten chơi cực hay ở vòng bảng, trước khi bất ngờ thua Nga 1-3 tại tứ kết. Tuyển Nga không mạnh như Hà Lan, song lạnh lùng và biết cách rình rập chờ thời. Trong khi đó, Hà Lan luôn tấn công có phần ngây thơ, mong manh và dễ bị trừng phạt.

Bài học lịch sử đã nhắc nhở HLV Louis van Gaal cần xây dựng cho Hà Lan lối đá chắc chắn và toan tính ở World Cup 2014. Hai giải lớn gần nhất chơi thành công (World Cup 2010, 2014), Hà Lan đều đá thực dụng. Còn những giải đấu đá đẹp, Hà Lan thường bị loại sớm.

 Hà Lan của De Boer vẫn rất mong manh.

Ngoài việc phải giữ cảm hứng và duy trì thể lực để cầu thủ đáp ứng được lối đá rất ngốn năng lượng này, HLV De Boer còn phải gia cố lại hàng thủ. Vắng Van Dijk, hậu vệ Hà Lan đã chơi lỏng lẻo, với 2 bàn thua chỉ trong 5 phút.

Ukraine không phải có tiền đạo đủ chất lượng. Nếu đối diện với cầu môn Hà Lan là Kylian Mbappe, Cristiano Ronaldo, Kevin de Bruyne, chưa biết mành lưới của Maarten Stekelenburg sẽ rung lên bao nhiêu lần.

Hà Lan không chủ trương lấy công bù thủ. Kiên trì với sơ đồ 3-5-2, HLV De Boer vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng. Dù vậy, Hà Lan không thể lúc nào cũng thốc lên như một cơn cuồng phong. Đội bóng áo cam cần sự bình tĩnh và tổ chức tốt lối chơi.

Vẻ đẹp chỉ trọn vẹn nếu đi kèm hiệu quả. Nếu không, Hà Lan sẽ như viên pha lê rực rỡ, nhưng dễ tan vỡ trước áp lực.

Tác giả: HỒNG NAM

Nguồn tin: Báo VTC