Cựu GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Ăn chặn cả đồ dùng học sinh… án nào xứng?

Admin
Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa từng lợi dụng chức vụ của mình để ăn chặn đồ dùng học tập, thiết bị giáo dục của học sinh là hành vi táng tận lương tâm, coi thường dư luận, không xứng đáng với vị trí công tác.

Mới đây, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, hiện là Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng 8 bị can khác có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ, tài liệu thu thập được xác định, bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa (nhà thầu) và Công ty Thẩm định giá BTC VALUE thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020-2021, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

 Bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cùng các bị can trong vụ án.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin về việc bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cùng thuộc cấp bị khởi tố, bắt giam khiến nhiều người bất ngờ và thất vọng. Dù đây mới là giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự, chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án nhưng ít ai nghĩ rằng những cán bộ này bị oan.

Dẫn các sự việc thời gian qua, cơ quan điều tra liên tục khởi tố, xử lý hình sự một số cán bộ trong lĩnh vực giáo dục về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu, luật sư Cường cho rằng, đây không phải là vụ án đầu tiên cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố. Trước đó, những vụ gian lận điểm thi, vụ việc về mua sắm thiết bị giáo dục cũng đã bị khởi tố điều tra. Vụ án này thêm một nỗi đau đối với ngành giáo dục và đối với công tác cán bộ.

Vụ việc trên là minh chứng cho thấy có những sơ hở trong công tác quản lý kinh tế và yếu kém về đạo đức của nhiều cán bộ và công tác cán bộ còn nhiều vấn đề bất hợp lý. Dù cán bộ có thành tích, được khen thưởng, thăng chức liên tục cho đến khi bị bắt...

“Những vụ án hình sự mà bị can và các thầy, các cô, là những người quản lý, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục là những vụ án hết sức đau lòng. Khi những người làm thầy nhưng không giữ được đạo đức của cái nghề cao quý, lợi dụng vị trí làm thầy để trục lợi, ăn chặn, ăn bớt tiền của học sinh thì đó là tận cùng của tội ác, làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ngành giáo dục với xã hội” - luật sư Cường nêu ý kiến.

Ông Cường cho biết, Thanh Hóa còn nhiều khu vực người dân còn rất nghèo khó, các trường học ở vùng cao, vùng sâu còn rất nhiều khó khăn. Rất nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể thường xuyên ủng hộ, từ thiện, giúp đỡ các em học sinh.

Trong khi đó những người làm thầy, làm cô, những lãnh đạo trong ngành giáo dục của tỉnh này lại lợi dụng chức vụ của mình để ăn chặn đồ dùng học tập, thiết bị giáo dục của học sinh. Đó là hành vi táng tận lương tâm, coi thường dư luận, không xứng đáng với vị trí công tác và những tình cảm cả xã hội dành cho họ, đáng bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong đó có cựu lãnh đạo giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và một số thuộc cấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các cán bộ, người có chức vụ quyền hạn vi phạm pháp luật là rất thận trọng. Trước khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh làm rõ các sai phạm, có dấu hiệu tội phạm mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường dẫn thông tin từ cơ quan điều tra và cho biết, các đối tượng trong vụ án này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm thất thoát tài sản của nhà nước, chi phí nhiều tiền của nhưng mua sắm phải những thiết bị có giá trị thấp hoặc không đảm bảo giá trị sử dụng, làm lãng phí tài sản, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đến quyền lợi của các em học sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Do đó, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các gói thầu nào ở địa phương này có sai phạm, hành vi và mức độ sai phạm như thế nào, hậu quả thiệt hại đến đâu, có liên quan đến các đối tượng nào để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật đấu thầu và các quy định về quản lý tài sản nhà nước thể đối với các gói thầu mua sắm thiết bị, cần phải tổ chức đấu thầu công khai theo luật đấu thầu, phải đảm bảo tính bí mật, đảm bảo công bằng, khách quan trong các thủ tục mời thầu, chấm thầu và công bố kết quả đấu thầu.

Những hành vi vi phạm quy định về thủ tục đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu hoặc gian lận trong đấu thầu đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sử dụng nguồn vốn, tài sản của nhà nước gây thất thoát lãng phí. Bởi vậy, hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Theo điều 222, BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có mức án cao nhất từ 10 năm đến 20 năm nếu gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Như vây, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các bị can đã vi phạm những gói thầu nào, hành vi vi phạm gì, vai trò của từng bị can ra sao và hậu quả thiệt hại cho nhà nước và xã hội như thế nào? Để làm căn cứ xác định tội danh và làm căn cứ áp dụng mức hình phạt.

Luật sư Cường cũng cho rằng, cùng với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi đưa nhận hối lộ hay không? Động cơ nào các đối tượng có chức vụ này lại vi phạm pháp luật về đấu thầu? Nếu có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu để cho doanh nghiệp được lợi, đổi lại bằng việc doanh nghiệp sẽ đưa tiền cho các cán bộ này. cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi thiếu trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ khác có liên quan hay không, có cán bộ nào là đồng phạm trong vụ án nêu trên để tiếp tục mở rộng điều tra giải quyết triệt để vụ án này theo quy định pháp luật.

Gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 được bà Phạm Thị Hằng khi đương nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An Khang; Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành.

Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng. Trong đó, 612 bộ thiết bị cấp cho 512 trường tiểu học trên địa bàn với hơn 88 tỷ đồng. Chi phí tư vấn đầu tư gần 658 triệu đồng và chi phí vận chuyển, lắp đặt 512 triệu đồng. Số tiền nêu trên được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp GD&ĐT trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.

Tác giả: Hải Ninh

Nguồn tin: kienthuc.net.vn