Ngày 12/1/2013, cảnh sát vũ trang và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ập vào biệt phủ được xây dựng như Tử Cấm Thành tại thôn Đông Bạch Thương ở thị trấn Mạnh Kha (thuộc thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Bên trong tầng hầm dài hơn 30m dưới biệt phủ, lực lượng chức năng phát hiện vô số đồ vật giá trị, như 1.800 chai rượu Mao Đài lâu năm, con thuyền vàng khắc chữ "thuận buồm xuôi gió", một chiếc chậu vàng với ý nghĩa "vàng ngọc tràn đầy" hay bức tượng cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông bằng vàng ròng... Tài sản giấu kín này chất đầy 4 xe tải.
Chủ nhân của biệt phủ "Tử Cấm Thành" này là Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Giỏi lấy lòng người khác
Cốc Tuấn Sơn sinh tháng 10/1956 trong một gia đình phổ thông ở Đông Bạch Sơn. Có điều kiện ăn học nhưng Cốc Tuấn Sơn không biết trân trọng, luôn quậy phá ở trường và không đạt thành tích yêu cầu.
Biết bản thân học lực không tốt, Cốc Tuấn Sơn nhập ngũ và được điều động đến huyện Lục Hợp ở khu vực núi Trường Bạch Sơn (tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc), đóng quân trong lực lượng không quân của Quân khu Thẩm Dương.
Vài năm sau, Cốc Tuấn Sơn được thăng chức vào một bộ phận đặc biệt, chịu trách nhiệm hỗ trợ và bảo trì mặt đất của lực lượng không quân.
Sự thăng tiến của Cốc Tuấn Sơn không phải do kỹ năng tốt hay khả năng làm việc hiệu quả mà nhờ sự khôn khéo và khả năng làm hài lòng lãnh đạo.
Khi một huấn luyện viên biểu diễn phi đội bay được cử đến hướng dẫn trung đoàn của Cốc Tuấn Sơn, ông này ngay lập tức tiếp cận biếu quà cho người huấn luyện.
Là một người có thâm niên trong quân đội, người huấn luyện biết quà thì dễ nhận nhưng khó xử nên nhiều lần từ chối Cốc Tuấn Sơn.
Sau nhiều lần thử bất thành, Cốc Tuấn Sơn chuyển mục tiêu sang vợ của người huấn luyện. Sau khi tìm ra địa chỉ nhà, Cốc Tuấn Sơn thường xuyên mang quà đến thăm. Đúng như mong muốn của Cốc, người huấn luyện đã giúp đỡ ông rất nhiều trên con đường thăng tiến.
Cốc Tuấn Sơn cũng dùng cách này để làm thân với Trương Tố Yến, con của Cục trưởng Trương Hải Long. Bất chấp sự ngăn cản của cha, Trương Tố Yến đem lòng yêu và nhất quyết kết hôn với Cốc Tuấn Sơn.
Tháng 6/1985, Cốc Tuấn Sơn 29 tuổi, đối mặt với “cuộc sa thải lớn” trong quân đội. Lúc này, bố vợ không chỉ giúp Cốc Tuấn Sơn thoát khỏi nguy cơ bị sa thải mà còn điều động ông về Quân đoàn Bộc Dương ở quê nhà Hà Nam thông qua các mối quan hệ.
Chính tại đây, Cốc Tuấn Sơn bắt đầu “sự nghiệp” của mình và cũng chính là lúc ông dấn thân vào con đường danh lợi không thể quay đầu.
Không từ thủ đoạn để thăng tiến
Cuối những năm 1980, quân đội Trung Quốc bắt đầu được phép làm kinh tế, thương mại.
Cốc Tuấn Sơn với sự khôn khéo và "kỹ năng làm thân" của mình đã mở rộng được mối quan hệ với một doanh nghiệp dầu mỏ địa phương, qua đó thu được một lượng lớn thép, gỗ xẻ và dầu thô với giá thấp, sau đó bán lại chúng với giá cao, mang về lợi nhuận khổng lồ cho đơn vị. Các lãnh đạo quân đoàn đương nhiên rất hài lòng và thăng chức cho ông.
Lúc này, Cốc Tuấn Sơn đã lên hàng thiếu tá nhưng vẫn chưa hài lòng. Để có thể thăng tiến hơn nữa trong quân đội, Cốc Tuần Sơn thậm chí bịa đặt lịch sử để đánh bóng lí lịch bản thân.
Năm 1990, sau khi cha là Cốc Ngạn qua đời vì bạo bệnh, Cốc Tuấn Sơn đã xây dựng lăng mộ cho cha mình trên khu đất rộng 5 mẫu ở trung tâm thành phố Bộc Dương, phía trước lăng mộ có khắc “Liệt sĩ Hoa Vũ Đài”.
Những người có thể được gọi là "Liệt sĩ Hoa Vũ Đài" là những người đã hy sinh ở Huayutai trong cuộc cách mạng giải phóng Trung Quốc. Tuy nhiên, cả ông nội và cha của Cốc Tuấn Sơn chỉ là những nông dân bình thường.
Do đó, Cốc Tuấn Sơn đã bỏ rất nhiều tiền để thuê người bịa ra một câu chuyện lịch sử hào hùng cho cha mình và xuất bản cuốn sách có tên "Ký ức về sự sống và cái chết: Câu chuyện của Chu Hạo và Cốc Ngạn Sinh". Trong sách mô tả Cốc Ngạn Sinh là một người cách mạng, trọng tình nghĩa và yêu nước.
Lý lịch đẹp là chưa đủ, Cốc Tuấn Sơn thậm chí còn đẩy cô con gái 20 tuổi của mình lên giường với lãnh đạo cấp trên và đứng đợi ngoài cửa để chờ một cái gật đầu.
Vì quyền lực, Cốc Tuấn Sơn không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Cuối cùng, đúng như mong muốn, quyền lực của ông đạt tới đỉnh cao và ông trở thành Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2009.
Con sâu lớn trong quân đội
Tháng 11/2010, chính sách cho thuê bất động sản quân sự đã được triển khai toàn diện trong toàn quân đội Trung Quốc. Cốc Tuấn Sơn thừa "kinh nghiệm" để nắm bắt cơ hội trục lợi và nhận được những khoản lại quả khổng lồ trong việc chuyển nhượng nhiều khu đất quân sự.
Tại Bắc Kinh, Cốc Tuấn Sơn nắm trong tay hàng chục bất động sản quân sự xung quanh vị trí đắc địa của Đường vành đai 2 thủ đô, cùng hàng chục căn hộ, mỗi dãy có diện tích khoảng 170m2.
Tại quê nhà Bộc Dương ở Hà Nam, gia đình Cốc nổi tiếng với việc chiếm đất và quy hoạch bất động sản. Cốc Tuấn Sơn giao kèo với nhà phát triển bất động sản rằng nếu bất kỳ dự án nào lấy đất từ tay ông ta, 60% lợi nhuận từ chênh lệch giá sẽ thuộc về quan lớn này.
Ở Thượng Hải, một phần tài sản quân sự được bán với giá hơn 2 tỷ nhân dân tệ, trong đó khoảng 6% là tiền lại quả cho Cốc Tuấn Sơn, tương đương hơn 100 triệu nhân dân tệ (hơn 342 tỷ đồng).
Đầu năm 2011, Văn phòng Kiểm toán Quân đội Giải phóng Nhân dân phát hiện một giám đốc doanh trại biển thủ quỹ dự án. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bất ngờ phát hiện bằng chứng tham nhũng của Cốc Tuấn Sơn.
Theo Nhật báo Nhân dân, tháng 2/2012, tên của Cốc Tuấn Sơn biến mất khỏi trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông bị Viện Kiểm sát quân sự khởi tố vào tháng 3/2014 vì các tội tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ, chiếm dụng tiền công và lạm dụng chức quyền.
Theo báo cáo, Cốc Tuấn Sơn sống trong một dinh thự rộng hơn 7.000 m2, có hơn 60 người giúp việc tại nhà và bao nuôi 5 người tình bên ngoài.
Không rõ tổng số tiền Cốc Tuấn Sơn tham ô là bao nhiều do phiên tòa được xử kín vì nhiều tình tiết liên quan đến bí mật quân sự. Tuy nhiên, có thông tin tiết lộ con số lên tới 30 tỷ nhân dân tệ (hơn 100.000 tỷ đồng).
Ngày 10/8/2015, Cốc Tuấn Sơn bị Tòa án quân sự kết án tử hình, hoãn thi hành 2 năm, tịch thu toàn bộ tài sản, tước quân hàm trung tướng và tước quyền lợi chính trị suốt đời.