Đà Nẵng cần xây chợ đầu mối mới

Admin
Chợ đầu mối (CĐM) Hòa Cường với qui mô 2ha sau 11 năm phát triển đã trở nên chật chội, quá tải, lại nằm lọt thỏm giữa khu trung tâm của đô thị Đà Nẵng gây nhiều bất tiện. Đã đến lúc TP cần xây CĐM mới qui mô đủ lớn để trở thành trung tâm trung chuyển, phát luồng hàng hóa cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 Xe tải chở hàng về CĐM Hòa Cường.

Chiếc áo quá chật

Năm 2005, CĐM Hòa Cường được đưa vào sử dụng tại khu vực đô thị còn thưa thớt, với diện tích 2ha lúc đó được cho là rộng rãi. Khi ấy, chợ còn trống rất nhiều, việc vận động tiểu thương từ chợ Cồn và các chợ khác lên buôn bán gặp không ít khó khăn, phải mất cả quá trình.

Tuy nhiên, qui mô kinh tế, dân số của Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, kéo theo là sự lớn mạnh không ngừng của CĐM Hòa Cường, đến nay thì nó phải khoác “chiếc áo quá chật”. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng BQL CĐM Hòa Cường cho biết, chợ có 1,3 ngàn hộ kinh doanh, trung bình mỗi hộ chỉ được thuê diện tích khoảng 10m2.

Trong khi đó, là hộ bán sỉ, mỗi lần nhập rau củ quả về số lượng hàng rất lớn, diện tích mỗi hộ phải 30m2 trở lên mới đủ, vì thế mới có tình trạng hàng hóa xếp tràn ra cả lối đi.

Hiện tại mỗi đêm có khoảng 400 tấn hàng về chợ, bình quân 30-35 chuyến xe tải/đêm. Vào ngày rằm, mồng 1, cận lễ, tết mỗi đêm khoảng 1.300 tấn hàng về chợ, số lượng xe tải cũng lên hàng trăm chuyến. Trong khi đó, bãi đậu xe xếp dỡ hàng rất chật, chỉ đáp ứng được 7-8 xe.

Tình trạng kẹt xe kéo dài tại các tuyến đường xung quanh chợ. Vì chợ nằm ở trung tâm đô thị, tình trạng quá tải, kẹt xe gây ra không ít hệ lụy. Theo ông Thông Anh, điều kiện kinh tế TP phát triển, kéo theo nhu cầu hàng hóa tăng cao.

Nếu 10 năm trước 5-7 hộ kinh doanh trong chợ chung nhau một chuyến xe chở rau củ từ Lâm Đồng, hay chở trái cây từ Tiền Giang ra, thì nay mỗi hộ đã đóng hàng cả một chuyến xe, thậm chí không ít hộ sắm xe tải tự đi chở hàng từ miền Tây về, rồi chia ra các đội xe tải nhỏ đi phân phối khắp các chợ lẻ.

Ngoài diện tích chật hẹp thì CĐM Hòa Cường lọt thỏm trong đô thị cũng không phải lợi thế. Thường các CĐM lớn, phát triển phải ở vị trí giao thông thuận tiện, cạnh các tuyến quốc lộ lớn.

Vì CĐM hoạt động suốt đêm nên các vấn đề an ninh trật tự cũng phải đảm bảo, phải có điều kiện hạ tầng phù hợp, chẳng hạn hệ thống tường bao xung quanh chợ, hệ thống giao thông, đậu đỗ xe trong chợ. “CĐM Bình Điền - TPHCM 67 ha với tường bao xung quanh, riêng hệ thống giao thông trong chợ đã chiếm diện tích 16ha”- ông Thông Anh chia sẻ.

Mô hình nào phù hợp?

Theo qui hoạch, CĐM mới được xây dựng 30ha trên khu đất ruộng đối diện Bến xe Đức Long tại xã Hòa Phước (H.Hòa Vang). Ông Nguyễn Hà Bắc - Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, khu vực này rất phù hợp để xây CĐM mới bởi lẽ nằm bên quốc lộ 1A, đường vành đai phía Nam đi Hội An, thuận lợi để thu hút và phát luồng hàng hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư xây CĐM mới sẽ theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Trong đó, TP sẽ san lấp mặt bằng giao cho nhà đầu tư (ước tính san lấp toàn bộ 30 ha ruộng khoảng 180 tỷ đồng). Nhà đầu tư sẽ đầu tư xây chợ tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, theo nhiều giai đoạn, kéo dài tới 10 năm.

Có ý kiến cho rằng, đầu tư CĐM mới qui mô lớn ở Đà Nẵng không khả thi, vì đặc thù miền Trung trải dài, hàng hóa phân phối Bắc - Nam đều qua các tỉnh. Tuy nhiên ông Bắc cho rằng, nhìn nhận như vậy chưa thấu đáo. Nông thủy sản đi từ Bắc vào Nam và ngược lại vẫn cần địa điểm trung chuyển, sơ chế trước khi phát luồng.

Chẳng hạn vận chuyển cá nước ngọt từ miền Tây không thể đi một mạch ra Bắc, hay vận chuyển su hào, bắp cải từ Bắc vào Nam cần dừng lại trạm trung chuyển Đà Nẵng để sơ chế trước khi tiếp tục vận chuyển. Mô hình CĐM mới không chỉ là nhập hàng hóa về phân phối cho Đà Nẵng và các vùng phụ cận, mà còn có kho bãi phân loại, bảo quản, sơ chế, là nơi trung chuyển Bắc - Nam.

Nhiều chủ vựa trái cây lớn của miền Tây cho biết sẵn sàng thuê mặt bằng CĐM mới Đà Nẵng để làm điểm tập kết hàng hóa, sơ chế, trước khi phân phối ra Bắc, khu vực miền Trung.

Do đó, theo ông Bắc, khi xây CĐM mới, việc di chuyển tiểu thương từ CĐM Hòa Cường lên dù khó khăn (tâm lý không muốn chuyển ra xa trung tâm) thì cũng không lo việc chợ khó lấp đầy do thiếu hộ kinh doanh.

Xây CĐM mới là cần thiết, nhưng chờ đến lúc bức bách buộc phải xây thì có khi không còn đất vị trí thuận lợi. Để xây dựng, thu hút tiểu thương và tạo dựng thương hiệu cho CĐM mới qui mô lớn cần thời gian hàng chục năm, do vậy việc tính toán đầu tư CĐM mới ngay bây giờ không còn quá sớm.

Chưa kể, việc xây CĐM mới sẽ tạo động lực phát triển khu vực Hòa Phước, Hòa Châu. CĐM Hòa Cường sẽ được giữ lại làm chợ tổng hợp bán lẻ.