Đà Nẵng: Khẩn trương di dời các hộ dân tại khu vực 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý

Admin
Để di dời các hộ dân, hai nhà máy thép tại TP Đà Nẵng chịu 50% trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ với kinh phí khoảng 243 tỷ đồng.

Ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ khẩn trương thực hiện giải tỏa di dời các hộ dân quanh hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (thuộc (thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.)

Thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thành ủy và HĐND, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp giải quyết những vướng mắc xung quanh việc di dời giải tỏa các hộ dân và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy Dana - Úc và Dana - Ý, do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp.

Trước đó, vào ngày 21/2, UBND TP Đà Nẵng cùng các Sở, Ngành, địa phương liên quan tổ chức đối thoại với các hộ tại khu vực thôn Vân Dương 2 và đồng tình thống nhất chủ trương giải tỏa di dời toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 2 Nhà máy thép.

Qua buổi đối thoại, UBND TP Đà Nẵng nhất quán nguyên tắc yêu cầu hai Công ty Cổ phần thép Dana – Úc và Công ty Cổ phần thép Dana - Ý, mỗi đơn vị chịu 50% trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án (theo khái toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự án khoảng 243 tỷ đồng).

 Người dân thông Vân Dương 2 từng khốn khổ vì hai nhà máy thép.

Khu đất quy hoạch tại thôn Vân Dương 2 sau khi giải tỏa xong, UBNP TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành đấu giá thuê quyền sử dụng đất theo quy định và hoàn trả lại tiền cho hai công ty đã chi trước cho công tác bồi thường, hỗ trợ.

Nếu số tiền thu từ đấu giá thuê quyền sử dụng đất khu đất nêu trên thấp hơn số tiền đã chi để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thì số tiền chênh lệch còn lại, hai công ty phải chịu mỗi đơn vị 50%.

Trường hợp số tiền thu từ đấu giá thuê quyền sử dụng đất khu đất nêu trên cao hơn số tiền đã chi để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thì số tiền chênh lệch này được nộp vào ngân sách thành phố.

Thành phố cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố ký Hợp đồng với hai Công ty thép để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tại dự án. Đồng thời yêu cầu hai công ty phải có Chứng thư bảo lãnh thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang của một Ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố, về đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa dự án.

Tại cuộc họp chiều 9/6, đại diện 2 công ty đã nêu lên những khó khăn do không có tài sản thế chấp để thực hiện ký quỹ, lập chứng thư bảo lãnh.

 Người dân từng bao vây hai nhà máy thép vào sáng 24/12/2016.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đưa ra phương án cho phép phân kỳ việc ký quỹ từng giai đoạn theo tiến độ giải tỏa. Lần đầu tiên, số tiền ký quỹ tương ứng từ 30 -40% tổng số tiền phải nộp theo hợp đồng.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương lập các thủ tục, rút gọn thời gian thực hiện để sớm di dời, giải tỏa và tái định cư cho các hộ dân tại dự án theo đúng tiến độ.

Giải tỏa xong đến đâu có thể cho đấu giá đất luôn phần đất đã giải tỏa, và nếu hai công ty thép trúng đấu giá thì được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất luôn và dùng đó làm tài sản thế chấp để bảo lãnh thực hiện thanh toán tiếp tục.

Chủ tịch thành phố cũngnhấn mạnh, đây là giải pháp thể hiện sự quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nếu hai công ty thép không đáp ứng, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các công ty tự đóng cửa hoặc di dời nhà máy ra khỏi khu vực.

Về chủ trương cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời, không quá 15 năm. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cấp công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo qui định. Thời gian qua, theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường hai nhà máy đã có một số biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm khói bụi.

Tuy vậy, những giải pháp này chưa thật hiệu quả, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe người dân trong khu vực. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu hai nhà máy phải điều tiết lại sản xuất, cắt giảm công suất, chấp nhận lỗ trong thời gian khắc phục các yếu tố ô nhiễm.

Xác định đây là dự án mang tính cấp thiết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho phép rút gọn các thủ tục xây dựng cơ bản, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam