Chiều 26/10, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 10/2017, xem xét về giá dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo quy định mới của Luật Phí và Lệ phí (quy định về các loại dịch vụ chuyển từ phí sang giá) và Luật Giá. Trong đó đã tập trung thảo luận, biểu quyết về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
Các thành viên UBND TP Đà Nẵng biểu quyết thống nhất thực hiện mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ kể từ ngày 1/1/2018 (Ảnh: HC) |
Đơn vị xây dựng giá dịch vụ này là Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng, đã có ý kiến thống nhất của Sở Công Thương. Phạm vi điều chỉnh là giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP hoặc có sự đóng góp của nhân dân theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành hữu quan, Sở Tài chính Đà Nẵng xác định tổng chi phí phân bổ cho hai nhóm đối tượng. Thứ nhất là các tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ, gồm các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có đặt cửa hàng, cửa hiệu buôn bán cố định, thường xuyên tại các chợ (gọi tắt là các hộ kinh doanh cố định). Thứ hai là người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại các chợ (gọi tắt là các hộ kinh doanh không cố định).
“Theo phương án này thì tổng chi phí tập hợp được để xây dựng giá là 17.469.000.000 đồng/tháng, sẽ phân bổ cho nhóm hộ kinh doanh cố định khoảng 13,6 tỉ đồng; nhóm kinh doanh không cố định khoảng 3,8 tỉ đồng. Đối với nhóm hộ kinh doanh cố định, trên cơ sở mức chi phí 13,6 tỉ đồng và diện tích bán hàng tại chợ sẽ tính toán để đưa đến giá bình quân của các chợ!” – đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay.
Bảng dưới đây là mức giá dịch vụ được đề xuất đối với hộ kinh doanh cố định tại 4 chợ hạng 1 thuộc TP Đà Nẵng quản lý (gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường), có so sánh đối chiếu với đơn giá bình quân hiện hành, đơn giá đề nghị, tỉ lệ tăng giữa đơn giá đề xuất với đơn giá hiện hành (từ 18 – 23%) và mức giá bình quân dự kiến tại 4 chợ nêu trên so với các chợ hạng 1 ở các tỉnh lân cận như Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
|
Đối với hộ kinh doanh không cố định tại 4 chợ này, mức giá dịch vụ được tính toán và phân bổ theo số người kinh doanh do ban quản lý các chợ thống kê. Theo đó, từ tổng chi phí 3,8 tỉ đồng như nêu trên, mức giá tính theo ngày đối với hộ kinh doanh không cố định tại 4 chợ này khoảng 9.000 đồng/người/ngày, tăng khoảng 12% so với mức giá hiện hành.
“Các mức giá trên là giá bình quân chung của 4 chợ vừa nêu đối với từng nhóm kinh doanh cố định và kinh doanh không cố định. Trên cơ sở đó phải xác định giá cụ thể cho từng vị trí của từng sạp hàng và tính chất của ngành hàng, bằng cách lấy mức giá bình quân nêu trên nhân với hệ số sinh lời về vị trí cũng như ngành hàng tương ứng đối với từng chợ!” – đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay.
Bảng dưới đây là ví dụ về giá cụ thể theo vị trí và ngành hàng tại chợ Hàn. Tương tự, tại 3 chợ còn lại (chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) cũng có hệ số và tính toán phân bổ mức giá theo cách này. Hệ số của các chợ nêu trên cũng kế thừa hệ số lâu nay đã thực hiện tương đối ổn định, chỉ có chuyển từ phí sang giá chứ không thay đổi hệ số:
|
“Với các chợ do TP quản lý thì UBND TP sẽ ban hành mức giá cụ thể đối với từng vị trí và ngành hàng (như ví dụ đã nêu về chợ Hàn). Đối với nhóm chợ do các quận, huyện quản lý thì cũng áp dụng cách tính tương tự như với các chợ của TP nhưng UBND TP chỉ ban hành mức giá bình quân của hộ cố định và hộ không cố định tại các chợ của các quận, huyện; còn từng sạp trong chợ có vị trí, ngành hàng như thế nào để đưa ra mức giá tương ứng thì sẽ do Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định!” – đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay.
Hai bảng dưới đây là ví dụ về mức giá tại các chợ do quận, huyện và phường, xã quản lý tại hai quận Hải Châu và Thanh Khê.
|
|
Qua thảo luận, các thành viên UBND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thống nhất thực hiện mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ kể từ ngày 1/1/2018.