Đặc sản ‘bún mắng cháo chửi’ của giáo dục vẫn còn đất sống?

Admin
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng lại đang xôn xao chuyện một cô giáo tiếng Anh ở Hà Nội có những lời lẽ xúc phạm, chửi bớt vô cùng thậm tệ với một học viên.

 Hình ảnh cắt từ clip cô T. mắng chửi học viên thậm tệ

Sự việc xảy ra ngay trong lớp học, trước mặt các học viên khác. Tranh cãi xuất phát từ việc nam học viên này không làm bài tập và theo quy định của trung tâm (mà anh này đã ký vào cam kết) thì anh sẽ phải nộp phạt 100 nghìn đồng.

Hình ảnh cô giáo tên T. trong clip giơ xấp tiền đặt trên mặt bàn chứng tỏ nhiều học viên đã vi phạm và chấp nhận nộp phạt.

Tuy nhiên, nam học viên nhất quyết không chịu nộp phạt và ‘mong cô giáo thông cảm’. Căng thẳng nổ ra khi cô T. kiên quyết đòi “nộp tiền, khẩn trương, đây không phải lần đầu của anh” thì anh này phản ứng “sao cứ lèo nhèo đòi tiền thế, lừa đảo… à”.

Cô T. ngay lập tức nổi xung và chửi học viên là ‘đồ con lợn’, ‘thằng mặt lợn’. Cô xưng “mày tao” với học viên và anh này cũng đáp trả bằng “tôi” và “bà”. Cô T. khẳng định “đây là sân chơi của tao, luật của tao… không ai ở Việt Nam hơn tao về tư cách” khi bị học viên chỉ trích là “không đủ tư cách làm giáo viên”.

Sự việc này làm nhiều người nhớ lại clip tranh cãi với học viên của cô giáo “bọ cạp” Lê Na cách đây gần 3 năm. Nguyên nhân cũng xuất phạt từ việc học viên không làm đúng theo quy định nào đó của trung tâm. Và khi họ lên tiếng đáp trả thì giáo viên mắng học viên là “vô học”, xưng “mày tao”, to tiếng với họ.

Cách ứng xử của 2 giáo viên này, đặc biệt là trường hợp mới đây của cô T., rõ ràng là đang sỉ nhục và xúc phạm học sinh. Tất nhiên, mọi thứ đều có nguyên do, nhưng cách giải quyết này chắc chắn không phải là thứ đáng khuyến khích trong giáo dục.

 Hai giáo viên tiếng Anh từng gây xôn xao cộng đồng mạng vì cách giao tiếp với học viên

Nhưng điều đáng nói ở đây là 2 cô giáo trong 2 sự việc trên đều được học viên đánh giá là những giáo viên dạy tốt, thu hút được nhiều học viên theo học và ít nhiều có tiếng trong giới dạy tiếng Anh.

Họ cũng được đánh giá là những giáo viên “có cá tính mạnh”, hay nói nôm na như nhiều học viên nhận định: “Cô đanh đá thế thôi nhưng dạy giỏi. Ai nghe được chửi thì mới học được”.

Có lẽ, chính vì hiệu quả mang lại nên họ bất chấp phải nghe mắng chửi và nộp phạt, giống như những món “bún mắng, cháo chửi” đặc sản của Hà Nội vẫn hút khách, miễn là ngon.

Xã hội ngày càng phát triển, tiếng Anh lại càng trở thành thứ kiến thức không thể thiếu để sử dụng trong công việc. Không chỉ học sinh, sinh viên ào ào đi học tiếng Anh. Tiếng Anh thậm chí còn cấp thiết hơn với những người đi làm.

Cách dạy tiếng Anh bất cập trong nhà trường cách đây 10 năm, 15 năm đã “cho ra lò” những thế hệ tốt nghiệp phổ thông, đại học mà “không nói nổi câu tiếng Anh nào ra hồn”. Vì thế, đến giờ, khi đã đi làm, họ lao đến các trung tâm để học lại. Tiêu chí cao nhất là phải nhìn thấy hiệu quả càng nhanh càng tốt.

Không ít lần tôi nghe thấy bạn bè, đồng nghiệp, những người xa lạ thở dài tiếc nuối “giá mà học giỏi tiếng Anh” thì bây giờ họ đã có một công việc tốt, một mức lương cao… Chính vì thế, giỏi tiếng Anh giống như một khao khát với nhiều người.

Và từ đó dẫn đến việc, những trung tâm cam kết đầu ra, dù có kỷ luật thép, thường xuyên bị nghe chửi, họ vẫn chấp nhận. Vì thế, những trung tâm này vẫn hoạt động rất tốt.

Bằng chứng là khi tranh cãi nổ ra, tất cả học viên đều im lặng. Không một ai đứng lên phản đối cách ứng xử của giáo viên. Một phần họ chấp nhận, một phần có lẽ do sợ hãi và cho rằng không liên quan gì đến mình.

Một người bạn của tôi - cũng đang học tiếng Anh ở trung tâm - chia sẻ, lớp bạn có 2 giáo viên được phân công dạy, mỗi người dạy một kỹ năng khác nhau. Một giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm hàng đầu cả nước với tấm bằng giỏi, chuyên môn tốt, phương pháp chuẩn mực nhưng chính vì thế mang đến cảm giác đều đều, hơi buồn tẻ trong giờ học.

Giáo viên kia không tốt nghiệp trường sư phạm, thành tích không xuất sắc bằng nhưng đổi lại có phong cách dạy cá tính – nôm na là cách diễn đạt hấp dẫn, tính cách khác biệt. Từ đó mà bài giảng của giáo viên này luôn có sức lôi cuốn hơn.

Tôi còn nhớ, hồi học phổ thông, năm lớp 11, lớp tôi được bố trí một cô giáo dạy Toán cũng ‘cá tính’ như vậy. Dẫu “bài chửi” của cô không thậm tệ như cô T. nhưng cũng khiến cả lớp phát khiếp mỗi khi cô nổi giận. Được biết, cô đã từng rất ‘nổi tiếng’ về sự cá tính và dữ dằn của mình với nhiều thế hệ học trò trước chúng tôi.

Nhưng, đổi lại, những lúc vui vẻ, cô lại dạy hay, được nhà trường đánh giá cao và năm nào cũng được phân công dạy lớp chọn, rèn đội tuyển học sinh giỏi đi thi. Học cô được khoảng 2 tháng, tôi xin chuyển lớp và cô là một trong số những nguyên nhân.

Ở lớp mới, tôi được học những giáo viên có thể không “nổi tiếng” bằng nhưng cách giảng bài và nói chuyện với học sinh thì khác biệt hoàn toàn. Tốt nghiệp cấp 3, tôi vẫn đỗ đại học với điểm Toán tương đối cao.

Rõ ràng, lựa chọn là ở người học. Những giáo viên giỏi chuyên môn, có văn hóa trong giao tiếp không hề thiếu.

Để sự học đạt kết quả tốt, một phần là nhờ thầy giỏi, nhưng phần lớn hơn là nhờ nỗ lực tự thân. Phải chăng những học viên đang chấp nhận nghe chửi để được học thầy tốt đang phụ thuộc quá nhiều vào người dạy mình, phụ thuộc quá nhiều vào những kỷ luật sắt thép, đánh vào túi tiền để bắt bản thân mình phải học?

Tôi cho rằng, việc học tập sẽ chỉ đạt kết quả tốt nhất khi chính bản thân người học có mục đích, có động lực rõ ràng, thay vì phụ thuộc vào một sức ép nào đó.

Và chính sự tự thân đó sẽ xóa sổ những người dạy có cách ứng xử kém cỏi, thiếu văn hóa trong giao tiếp. Chính người học sẽ là những người quyết định họ có chỗ đứng trong thị trường giáo dục hay không.