Đại án 6.000 tỷ đồng tại VNCB: VNCB phải hạch toán 4.500 tỷ trả cho Phạm Công Danh

Admin
Sau thời gian nghị án kéo dài, sáng nay (6/8), Thẩm phám Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM đã tuyên đọc bản án đối với các bị cáo trong vụ đại án VNCB.

Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Phạm Công Danh (SN 1964, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), Trầm Bê (cựu Chủ tịch hội đồng Tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác được xác định có vai trò đồng phạm đã cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hoặc thừa nhận 1 phần hành vi của mình như cáo trạng quy kết.

 Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh bị tuyên mức án cao nhất trong khung hình phạt.

Bị cáo Phạm Công Danh được xác định vai trò cầm đầu vụ án, đề ra chủ trương lấy tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng, chỉ đạo việc lập khống hồ sơ mang 6.630,12 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank nhằm cầm cố, bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay trên 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng nêu trên để Danh sử dụng.

Do các công ty này không có tiền trả nợ nên các ngân hàng trên xiết nợ, thu hồi vốn, gây thiệt hại cho VNCB số tiền trên 6.126 tỷ đồng. Hành vi của Danh là rất nguy hiểm cho xã hội, giữ vai trò chủ mưu nên cần tuyên mức án nghiêm khắc nhất.

Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết, Trầm Bê, Phan Huy Khang, Đinh Việt Cường, Phan Minh Tùng, Nguyễn Việt Hà… là các đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện các hành vi sai trái nên cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Các bị cáo là bảo vệ, giữ xe, tạp vụ… được Danh thuê đứng tên các công ty do Danh thành lập đã có hành vi ký các hợp đồng vay hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng. Tuy nhiên, họ làm theo chỉ đạo cấp trên, không biết ký gì và có vay được tiền hay không, tiền vay được dùng làm gì nên xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Trong quá trình lượng hình, HĐXX xem xét cho các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bản án tương xứng, phù hợp với tội trạng của từng bị cáo, nhưng cũng thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật.

Từ các nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với bản án 30 năm tù trong giai đoạn 1 của đại án này, buộc Danh chấp hành mức án là 30 năm tù.

Bị cáo Phan Thành Mai 10 năm tù cùng về tội danh trên, tổng hợp là 30 năm tù. 4 thuộc cấp khác của Danh là Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 10 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù. Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 3 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 22 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB) 5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 14 năm tù. Bị cáo Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính tập đoàn Thiên Thanh) 4 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 11 năm tù.

Tuyên phạt bị cáo Trầm Bê 4 năm tù; Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank); Đặng Thị Bích Thủy, Nguyễn Văn Cường, Trần Hiệp, Lê Văn Tuấn, Đặng Văn Phúc, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Ngọc Thái cùng mức án 3 năm tù; Bị cáo Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) 4 năm tù.

Các bị cáo Đinh Việt Cường bị tuyên phạt 4 năm tù; Phạm Việt Thép 2 năm tù; tổng hợp 2 bản án là 5 năm tù; Trần Minh Tùng 3 năm tù, tổng hợp là 5 năm tù; Cao Phước Nhàn 2 năm tù, tổng hợp 6 năm tù; Trần Văn Bình 4 năm tù, tổng hợp 12 năm tù; Nguyễn Quốc Thịnh 2 năm tù, tổng hợp là 5 năm tù; Đỗ Việt Bun 2 năm tù.

Các bị cáo là giám đốc các công ty “ma”, giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng, giám đốc, phó giám đốc, kế toán các doanh nghiệp từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Về phần dân sự, HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với căn nhà trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) để trả lại cho bà Viên Tú Anh vì căn nhà này không liên quan đến hành vi phạm tội của Trầm Bê. Đối với căn nhà trên đường Hồng Bàng (quận 6), HĐXX tuyên giải tỏa kê biên trả lại cho Trầm Bê và Sacombank quản lý.

Buộc BIDV bồi hoàn hơn 1.600 tỷ đồng cho CB; Sacombank bồi hoàn tổng tộng 36 tỷ đồng cho CB.

Thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng là tiền của Phạm Công Danh chuyển vào VNCB (nay là CB) để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được chấp thuận trả lại cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, cấn trừ số tiền trên 2.300 tỷ đồng là tiền được xác định do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh, còn trên 2.100 tỷ đồng trả lại cho Phạm Công Danh để đảm bảo thi hành án cho cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Như đã thông tin trước đó, thời điểm giữa năm 2012, ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) sở hữu 84,92% cổ phần.

Tháng 9/2012, ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank. Lúc này, Danh nắm toàn bộ quyền chi phối ngân hàng. Danh đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của Trustbank.

Sau khi được ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh đã triệu tập, tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 7/2/2013 và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng Quản trị (HĐQT) Trustbank. Đến ngày 23/5/2013, Trustbank được đổi tên thành ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Kể từ lúc này, Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty ông Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay của 3 ngân hàng này với tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB. Hành vi trên của Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.126 tỷ đồng.