Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm can thiệp bình ổn giá xăng dầu

Admin
\"Tôi kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng\", đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Vùng trọng điểm chưa "thai nghén"

Sáng 30/10, trong ngày làm việc cuối cùng của đợt 1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

Tại điểm cầu TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, từ khi thực hiện Nghị quyết về cơ cấu nền kinh tế được Quốc hội khoá XIII ban hành, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều mục tiêu quan trọng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với COVID-19. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới. Cũng do tác động bởi dịch bệnh, thế giới đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, nước ta chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao…

Những lý do trên có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt thời gian qua giá xăng dầu liên tiếp tăng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

"Tôi kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng", đại biểu Ngân kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ sự băn khoăn khi kết quả tái cơ cấu giai đoạn trước vẫn còn nhiều hạn chế. Đề án liên kết phát huy vùng trọng điểm được xem là trọng yếu vẫn chưa "thai nghén".

Cũng theo đại biểu đoàn Bình Dương, vấn đề quan trọng nhất khi bàn về tái cơ cấu là phải đặt trong tổng thể kinh tế quốc gia, chương trình phục hồi sau đại dịch… Vậy vấn đề đặt ra là, khả năng ứng phó ra sao khi đại dịch còn kéo dài? Các nhiệm vụ trọng tâm như tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, tổ chức tín dụng vừa qua không đạt được, liệu trong 5 năm tới nhiều nhiệm vụ lớn có khả thi hay không trong khi cả năm nay đã tập trung vào chống dịch?…

"50% tăng trưởng hộ"

Từ hội trường Diên Hồng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định vai trò tái cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ cần mà còn “rất cần thiết”, góp phần thay đổi quy mô, tốc độ và trình độ phát triển… Ông cũng cho rằng, vấn đề phân bổ nội tại đang mất cân đối, vốn trong doanh nghiệp nhà nước lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, còn tư nhân lại khó có khả năng tiếp cận.

Đáng lưu ý, chúng ta có tiềm năng kinh tế ven biển nhưng khai thác đầu tư cho kinh tế biển chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng thiếu trụ cột để tạo nên sự phát triển bền vững. “50% tăng trưởng của ta là tăng trưởng hộ các nước khác”, ông Cường nêu.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, bất kỳ quốc gia nào cũng phải dựa trên các trụ cột, có những tập đoàn kinh tế mạnh, vươn ra làm chủ thế giới, trong khi nước ta hầu như chưa có trụ cột này. Ví dụ, vận tải đường sắt đô thị, rất cần thiết vì nước ta có nhiều đô thị lớn, nhưng chúng ta vẫn đang dùng tiền nước ngoài để làm, dẫn đến nhiều hệ luỵ bất cập.

Đại biểu nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại, hộ gia đình thay đổi cách chi tiêu, sử dụng đồng tiền cũng phải thay đổi, nền kinh tế càng đặt ra phải thay đổi nhiều hơn.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong