[presscloud]/uploads/video/2018/02/23/Ng_____i_d__n_______v____c__c_ch__a_c__ng_sao_gi___i_h___n.mp4[/presscloud]
Người dân đi chùa cúng sao giải hạn đầu năm Sau Tết Nguyên đán, người dân đổ đến các ngôi chùa lớn để cúng giải hạn sao xấu và cầu an cho gia đình.
Ngày 22/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), Hà Nội chìm trong mưa và giá lạnh do ảnh hưởng gió mùa đông bắc. Tuy nhiên, tại các ngôi chùa lớn, nhiều người vẫn đến lễ lạt, cầu an, cúng sao giải hạn.
Tại chùa Phúc Khánh, càng về chiều, lượng người đến càng đông. Việc cúng sao được chùa Phúc Khánh cho phép người dân đăng ký từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Để tiện cho người đăng ký cúng sao, nhà chùa dán các thông số như tuổi, năm sinh, sao chiếu mệnh… lên các cột gỗ và bàn ghi chép để mọi người dễ đối chiếu.
Vừa giải hạn vừa cầu an
Ngồi ghi chép tại bàn đăng ký, bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết năm nào cũng lên chùa Phúc Khánh cầu an cho gia đình.
“Một lần tôi đi qua đây thấy chùa Phúc Khánh rất đông người lễ bái, tìm hiểu mới biết chùa có tiếng về việc cúng sao giải hạn. Từ đó, cứ sau Tết, tôi lên chùa cúng giải hạn sao xấu và cầu an cho người thân”, bà Hạnh nói.
Chùa Phúc Khánh dán sẵn năm sinh, tuổi, sao chiếu mệnh cho cả nam và nữ để người dân tiện đăng ký cúng sao. Ảnh: Văn Chương. |
Bà Hạnh cho biết bà đăng ký 2 phiếu để nhờ nhà chùa cúng giải hạn. Phiếu này được chùa Phúc Khánh in sẵn phát cho khách thập phương.
"Một phiếu cầu an cho bố mẹ. Phiếu còn lại tôi cúng sao hạn cho cô con gái năm nay 'dính' sao xấu Kế Đô", bà Hạnh nói. Theo bà, sao Thái Bạch hao tài, tốn của; sao Kế Đô thì đau ốm, vận mệnh long đong; sao La Hầu đem đến chuyện thị phi, tai ương, bệnh tật…
Trong giáo lý nhà Phật không có sao, sao xấu, sao tốt chiếu mệnh như nhiều người vẫn nghĩ Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu |
Ngoài những người cúng sao trung tuổi còn có cả các nam thanh, nữ tú đến tìm hiểu để đăng ký giải hạn cho bản thân và gia đình.
Một cụ bà làm công tác tiếp nhận đăng ký cúng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh chia sẻ thông thường người dân đến đăng ký từ trước Tết. Nhà chùa sẽ cúng giải hạn từng sao vào 19h trong các ngày tháng Giêng.
Cụ thể, 19h mùng 8 tháng Giêng (23/2), chùa Phúc Khánh cúng giải hạn sao La Hầu; tối 15 tháng Giêng (2/3) cúng giải hạn sao Thái Bạch; tối 18 tháng Giêng (5/3) cúng giải hạn sao Kế Đô.
Người dân đăng ký cúng sao tại chùa Phúc Khánh. Ảnh: Quang Huy. |
Cúng sao giải hạn bằng cách vái vọng từ xa
Vừa đăng ký xong, bà Thúy (51 tuổi, ở quận Đống Đa) cho biết năm nào cũng lui tới chùa Phúc Khánh này làm lễ cúng giải hạn. Nếu không “dính” sao xấu thì bà tới cầu bình an cho các thành viên trong gia đình.
“Nhà tôi thường đăng ký cúng giải hạn sau Tết. Hàng tháng tôi vẫn ra chùa làm lễ nếu năm đó người trong gia đình có sao xấu chiếu mệnh. Việc đặt lễ tùy tâm nhưng ở đây người ta thường đặt 150.000 đồng/phiếu”, bà Thúy nói.
Người phụ nữ trung tuổi cho rằng nếu có thời gian đến chùa làm lễ là tốt nhất. Nếu bận, mọi người có thể ở nhà làm lễ và vái vọng từ xa… Năm nào cũng vậy, đến lễ chính, nhiều người còn đặt lễ và vái vọng từ ngoài đường vào chùa.
Không riêng chùa Phúc Khánh, lượng người đi lễ và cúng sao tại chùa Quán Sứ khá đông. Tại đây, việc cúng sao giản hạn, lễ cầu phúc được thực hiện vào 15h các ngày trong tháng Giêng.
Người dân đến đăng ký cúng giải hạn được hướng dẫn ra phía sân chùa. Những cụ bà với mái tóc hoa tiêu sẽ hướng dẫn người dân cách tra cứu sao và ghi danh lên lá sớ.
Hình ảnh đầu năm 2017. Hàng nghìn người ngồi ngoài đường gần chùa Phúc Khánh vái vọng vào trong, lẩm bẩm khấn theo lời của sư trụ trì. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cụ Nguyễn Thị Lộc (88 tuổi, ở phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói thường dâng sao giải hạn cho cả nhà. Vào những năm người dân bị sao La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu, cụ sẽ lên chùa dâng sao.
Cụ tâm sự: “Năm nay con trai tôi dính sao xấu chiếu mệnh, sao La Hầu. Tôi lên cầu cầu an và nhờ các thầy giải hạn cho con. Từ chiều đến giờ có hàng trăm người quỳ trước Tam Bảo nhờ thầy sư cúng giải hạn cho người thân”.
Quan niệm sai về cúng sao
Trao đổi với Zing.vn, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo, cho biết trong giáo lý nhà Phật không có sao, sao xấu, sao tốt chiếu mệnh như nhiều người vẫn nghĩ.
Sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu |
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định đầu năm, các ngôi chùa chỉ cúng cầu an, cầu cho quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc... Trước đây, nhiều người cúng sao giải hạn nhưng hiện nay số lượng người đã ít dần.
"Sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Cũng theo vị Phó chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo, việc cúng sao giải hạn dịp Tết hay các tháng chỉ nên hiểu như là một lễ cầu an để người dân tự răn mình. Đó cũng coi như là tạo nhân - quả tại buổi lễ mà nhắc nhở người dân phải làm điều thiện, tu tâm trong cả năm, cả tháng.
“Khi mình trồng cây quả ngọt thì mình sẽ được hưởng quả ngọt. Trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, mình làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa. Không có sao và cũng không thể giải được sao”, hòa thượng chia sẻ