Biến động của thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã tác động tiêu cực tới khối tài sản trên sàn chứng khoán của các đại gia Việt. Nhiều đại gia đã mất hàng chục tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lấy lại ngôi đầu
Sau khi mất vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt vào tay đại gia Trịnh Văn Quyết cuối năm 2017, từ đầu năm 2018, đà tăng của cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) đã nhanh chóng giúp ông Phạm Nhật Vượng lấy lại vị trí này.
Hơn 876 triệu cổ phiếu (27,45% vốn) do tỷ phú Vượng nắm giữ tại Vingroup hiện có giá trị thị trường lên tới hơn 94.000 tỷ đồng. Khối tài sản này đã tăng gần 38.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Thực tế, mức giá xấp xỉ 107.000 đồng/cổ phiếu hiện nay (giá mới điều chỉnh chia cổ tức), cổ phiếu VIC cũng đã giảm hơn 21% thị giá so với vùng đỉnh hồi tháng 4, nhưng vẫn tăng hơn 36% so với đầu năm. Đà tăng giá này cũng giúp vốn hóa doanh nghiệp tăng nhanh mà còn giúp tài sản của ông Vượng trên sàn chứng khoán thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã sớm lấy lại vị trí người giàu nhất Việt Nam từ đầu năm 2018. Ảnh: H.H. |
Khối tài sản này cao gấp 3 lần tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo hiện có tài sản trên sàn chứng khoán hơn 30.000 tỷ đồng và đứng thứ 2 là trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Hồi tháng 4, khi VIC ở vùng giá cao nhất, đã có lúc khối tài sản của ông Vượng vượt ngưỡng 110.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Tạp chí Forbes, hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang sở hữu khối tài sản ròng lên tới 6,8 tỷ USD, tăng hơn 2,5 tỷ USD so với bảng xếp hạng tạp chí này công bố hồi đầu năm. Ông đang xếp thứ 499 trong nhóm siêu giàu của thế giới.
Hai “nữ tướng” tại Vingroup là bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) và bà Phạm Thúy Hằng (em vợ ông Vượng) cũng tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng tài sản và cải thiện vị trí của mình trong danh sách người giàu.
Cụ thể, tài sản của bà Hương tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên 16.000 tỷ đồng và đứng vị trí thứ 5. Còn bà Hằng xếp thứ 6 với tài sản gần 10.500 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết mất hơn 1,8 tỷ USD |
Đại gia mất nhiều tiền nhất từ đầu năm đến nay là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC). Từ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với khối tài sản hơn 58.000 tỷ đồng cuối 2017, đại gia họ Trịnh đã rớt xuống vị trí thứ 4, với khối tài sản “teo nhỏ” chỉ còn hơn 17.000 tỷ đồng hiện nay.
Nguyên nhân "mất tiền" của ông chủ FLC do đà sụt giảm rất mạnh của cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS), nơi đóng góp tới 98% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia này.
Trong 6 tháng qua, ROS đã lao dốc từ vùng giá gần 150.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) xuống hơn 40.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, giảm gần 3,5 lần.
Thậm chí, trong 10 phiên giao dịch gần nhất thì ROS giảm giá tới 9 phiên, với 3 phiên giảm kịch biên độ và mất 34% thị giá.
Ông Trịnh Văn Quyết đã mất hơn 1,8 tỷ USD tài sản trên sàn chứng khoán trong nửa năm qua. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vừa là chủ tịch vừa là cổ đông lớn nhất tại Faros, ông Quyết hiện nắm giữ tới hơn 382,2 triệu cổ phiếu (67,34% vốn). ROS giảm mạnh đã khiến đại gia này mất gần 41.000 tỷ đồng chỉ trong nửa năm, tương đương 1,8 tỷ USD.
Tuy không mất hàng tỷ USD như ông Quyết, nhưng tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), người mới được Forbes vinh danh hồi đầu năm, cũng đã mất hàng nghìn tỷ đồng do cổ phiếu HPG giảm giá trong vài tháng qua.
Cụ thể, đà giảm gần 20% thị giá của HPG thời gian qua đã khiến tài sản của ông Long mất gần 10.000 tỷ đồng so với hồi tháng 2. Nếu so với đầu năm thì khối tài sản của ông Long vẫn tăng 3.000 tỷ đồng. Tỷ phú này đang đứng vị trí thứ 3 trong nhóm những người giàu nhất sàn chứng khoán với hơn 21.000 tỷ đồng tài sản.
Tương tự là trường hợp của đại gia Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland. Ông Nhơn đã tụt một bậc xuống vị trí thứ 7, với khối tài sản còn gần 9.600 tỷ đồng.
3 vị trí cuối cùng trong nhóm 10 người giàu nhất sàn chứng khoán hiện thuộc về bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) với 6.100 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank) với 5.900 tỷ đồng và ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), với 5.500 tỷ đồng tài sản.
Nguồn: VNDirect. |