Ngay sau khi bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII vào chiều 26/12, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với việc quy hoạch cán bộ và quyết định thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang.
Các đại biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII |
Không để lọt cán bộ không đủ điều kiện, có vi phạm
Nhiều cán bộ, đảng viên nhất trí cao với nội dung về công tác cán bộ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài phát biểu, công tác cán bộ là yếu tố "then chốt" của "then chốt", quyết định sự thành bại hay không là do đội ngũ làm công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy chế, quy trình chặt chẽ hơn về công tác quy hoạch cán bộ.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần đúc rút kinh nghiệm với tiêu chuẩn từng chức danh rõ ràng, quy trình chặt chẽ hơn, đặc biệt cần nhấn mạnh quan điểm "kiên quyết không để lọt" cán bộ có biểu hiện không đủ điều kiện, có vi phạm.
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu quan điểm đã là cán bộ cấp chiến lược cần có phẩm chất quan trọng đó là tầm nhìn xa, biết tư duy chiến lược. Muốn đánh giá người nào đó có tầm nhìn xa hay không, cần xem xét quá trình họ làm trước đó cũng như trong hành xử, quyết định hay thành công của họ.
Các ý kiến cũng cho rằng trong việc xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, trước hết phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân; năng lực công tác gắn với kết quả công tác.
Cán bộ cấp chiến lược phải có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác quy hoạch cán bộ cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch; đồng thời, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch; không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để “lọt” những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Đối với việc giới thiệu, lựa chọn được những cán bộ đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa và xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc xem xét tư cách đảng viên trên cơ sở Điều lệ Đảng trước khi lựa chọn, quy hoạch cán bộ là điều cần thiết.
Các thế hệ trước đây khi vào Đảng là để học hỏi, cống hiến, hy sinh chứ không vì thăng tiến, vụ lợi cá nhân. Việc xem xét, đánh giá, lựa chọn đội ngũ cán bộ đưa vào quy hoạch tại Hội nghị Trung ương lần này cũng là dịp để nhìn lại và xác định đảng viên đủ tiêu chuẩn tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng và cống hiến; khắc phục tình trạng, lựa chọn, quy hoạch cán bộ không đủ năng lực, không đúng ngành nghề, chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Hữu Châu, cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ các vị trí lãnh đạo phải được đánh giá, nhận xét khách quan, công tâm trước khi được lựa chọn, giới thiệu quy hoạch cán bộ chiến lược; tránh tình trạng nể nang, né tránh, vì chức vụ, “giữ ghế”... mà đồng ý bổ nhiệm.
Cán bộ, đảng viên có chức vụ cần được giám sát liên tục, kiểm điểm thường xuyên và người cán bộ đó cũng phải thường tự soi rọi mình để hạn chế sai sót, rút kinh nghiệm cho bản thân.
Xử lý nghiêm ông Tất Thành Cang, tạo thêm sự tin tưởng của dân đối với Đảng
Đồng tình với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, bà Trần Thị Ngọc Minh (ngụ phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, cán bộ vi phạm nặng nề như vậy thì cần loại ra khỏi hàng ngũ, đồng thời xem xét xử lý thích đáng về mặt pháp luật.
“Tôi mong muốn phải làm rõ những cán bộ có liên quan bởi vì chắc chắn ông Tất Thành Cang không thể một mình làm được tất cả những sai phạm đó, phải có nhiều người giúp sức. Mong làm tới nơi, tới chốn vụ này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ và đem lại niềm tin cho nhân dân”, bà Trần Thị Ngọc Minh bày tỏ.
Ông Phạm Bá Lữ (cán bộ về hưu, ngụ quận 1, TPHCM) cho rằng, việc cách chức Ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Tất Thành Cang là một minh chứng cho thấy vụ việc đã không bị chìm xuồng.
Kỷ luật của Trung ương là hết sức đúng đắn nhằm răn đe, ngăn ngừa những trường hợp vi phạm tương tự, đồng thời tạo thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.
Còn theo ông Châu Văn Tỉnh (ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), lãnh đạo một thành phố đầu tàu của cả nước về kinh tế mà sai phạm nghiêm trọng như vậy thì không thể chấp nhận được. Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật ông Cang thể hiện tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng. Những cán bộ lãnh đạo biến chất cần phải loại bỏ để làm trong sạch bộ máy.
Ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa và xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình và đánh giá cao sự công tâm, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm trong thời gian qua, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên cần thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xử lý nghiêm minh các sai phạm sẽ góp phần tăng niềm tin trong đội ngũ cán bộ đảng viên cũng như quần chúng nhân dân.
Tương tự, bà Tô Thị Hồng Xuyến, Trưởng ban điều hành Khu phố 4, Phường 5, Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhân dân rất đồng tình ủng hộ quyết tâm mà Đảng ta đã và đang thực hiện trong việc kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, nhất là những cán bộ cấp cao của Đảng có sai phạm; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng; vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên.
Qua đó, người dân thấy rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang triển khai không nhân nhượng bất cứ trường hợp nào, cho dù cá nhân đó đang giữ chức vụ nào.
Người dân rất đồng tình và tin tưởng với quyết tâm ấy mà tiên phong là cán bộ, đảng viên, chúng ta sẽ quét sạch tham nhũng, đưa đất nước phát triển vững chắc.