Đánh thuế căn nhà thứ 2: Nhà giàu, sếp lớn lộ tài sản ngầm

Lợi Trần
Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì nhất định chống được đầu cơ. Người nhiều nhà không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao rồi thì sẽ hạn chế đầu cơ.
Có 2-3 nhà, nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế

Đánh thuế vào người giàu


Năm tới sẽ tính thuế tài sản. Đây là thuế mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Những người có 2-3 nhà thì nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế.

Thông tin được ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) tiết lộ gần đây đã gây “sốt”.

20161030145545 biet thu nam an khanh
Nhà không ở cũng sẽ bị đánh thuế.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đang tập hợp thông tin để nghiên cứu. Việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật, và cần Quốc hội cho vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

“Định hướng là sẽ nghiên cứu thuế tài sản áp dụng với nhà cửa và một số loại tài sản khác”, đại diện Vụ chính sách thuế cho hay.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà vì hiện nay nhà ở không phải chịu thuế. Ở Việt Nam không đánh thuế vào tài sản trên đất mà chỉ đánh vào đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá đất của nhà nước.

“Các nước đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Riêng nguồn thu từ thuế đó đủ cho phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo vị chuyên gia này, để chống đầu cơ, các nước cũng tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên.

Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì nhất định chống được đầu cơ. Người nhiều nhà không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao rồi thì sẽ hạn chế đầu cơ.

Ở Mỹ, mua một mảnh đất không phải bỏ nhiều tiền. Chỉ khoảng 100-200 nghìn USD, người dân có thể sở hữu một căn nhà, nhưng có đủ tiền đóng thuế không mới là quan trọng. Nhiều trường hợp mua xong nhà nhưng không có tiền trả thuế.

“Đó là chính sách rất hay của Mỹ trên nguyên tắc giá thấp thì thuế cao. Thuế thấp thì giá cao. Việt Nam lại lựa chọn mức thuế thấp giá cao. Như thế rất mất cân đối với thu nhập và tạo ra những hệ quả xấu, tiêu cực trong phát triển kinh tế xã hội”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Lý giải cho cách chọn lựa không đánh thuế nhà bao lâu nay, GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn: Tôi nói chuyện này 20 năm nay rồi nhưng không ai tiếp thu. Tôi nghĩ có thể nhiều người có lợi ích liên quan nên rất gượng nhẹ trong việc nâng thuế với đất hay đánh thuế nhà.

Hơn thế, việc đánh thuế này sẽ khiến tài sản sẽ đăng ký công khai hơn. Nhiều người sẽ lộ các khối BĐS ngầm dấu kín lâu nay. Ngay cả việc nhờ người khác đứng tên cũng sẽ phức tạp hơn vì nó gắn liền với nghĩa vụ và lịch sử tài sản của mỗi cá nhân

Bớt khu đô thị “ma”

Khẳng định chống đầu cơ chỉ là một mục tiêu, GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc đánh thuế nhà lũy tiến có thể hướng đến nhiều mục tiêu khác, vừa để phát triển kinh tế vừa hạn chế yếu kém trong quá trình kinh doanh, vừa chống đầu cơ, vừa tạo nguồn thu.

 
20161030204358 hwn1445916158


Việc đánh thuế nhà còn góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu ấy là rất quan trọng, để thị trường bất động sản vận hành ổn định.

Ở nước ta, việc sử dụng đất không hiệu quả diễn ra khắp nơi. Các khu biệt thự mọc lên như nấm, nhưng không hề có người ở, biến thành các khu đô thị “ma”.

Sở dĩ có tình trạng ấy là vì người sở hữu nhà không bị đánh thuế. Họ chỉ mất một ít tiền thuế đất hàng năm, không đáng kể so với giá trị khu đất, căn nhà, biệt thự.

Việc đánh thuế nhà ở các nước cũng áp dụng cho cả với những DN đầu tư bất động sản. Trong giai đoạn nhà đã hoàn thành thì chủ đầu tư bắt đầu phải nộp thuế nhà.

“Anh còn giữ nhà thì anh phải nộp thuế. Còn nếu anh bán đi thì người mua sẽ thay anh nộp thuế”, GS Võ chia sẻ và nhấn mạnh điều này sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển với đầy đủ trách nhiệm.

“Nếu không bị đánh thuế nhà như hiện nay, thì sẽ ngày càng nhiều khu đô thị ma. Chủ đầu tư cứ có đất là xây nhà để đấy mà không cần tính toán quá cụ thể. Còn khi phải chịu thuế nhà, họ sẽ phải tính toán cẩn thận các yếu tố để khi hoàn thành có thể bán được nhà”, ông Đặng Hùng Võ phân tích.

Được như vậy, ông Võ cho rằng: “Thị trường sẽ phát triển với trách nhiệm cao hơn, thay vì vô trách nhiệm như hiện nay, phố ma, đô thị ma xuất hiện khắp nơi mà chả làm sao”.

PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cũng tỏ ra đồng tình với định hướng đánh thuế đối với người có từ nhà thứ hai trở lên.

Song, ông Định cho rằng việc tính toán mức thu thế nào cần được xem xét kỹ vì hiện nay số thuế, phí phải nộp của nhiều cá nhân, tổ chức đã ở mức cao. Nếu đánh thuế quá cao sẽ gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cũng như túi tiền của người dân.

Trên nhiều diễn đàn, việc đánh thuế nhà cũng được bàn luận sôi nổi. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng để “lách thuế”, người sở hữu nhiều nhà sẽ nhờ người khác đứng tên hộ.

Nhiếu ý kiến đáp trả lại rằng, điều này có thể xảy ra nhưng chỉ ở mức lẻ tẻ. Bởi lẽ việc nhờ người đứng tên cũng gặp không ít rủi ro.

“Giờ người thân trong nhà còn tranh nhau đất, thì lấy người nhà đứng tên chắc gì đủ tin tưởng và bền vững”, ông Võ nhận định và khẳng định người ta sẽ tính toán rất kỹ về rủi ro so với lợi ích khi muốn lách thuế.

Mặt khác, với tài sản là nhà hay bất cứ tài sản nào khác, khi áp dụng thuế tài sản và chủ sở hữu nộp thuế, điều đó có nghĩa tài sản ấy được nhà nước bảo hộ và được giải quyết khi có tranh chấp. Ngược lại, khi không nộp thuế thì rất khó có cơ sở để Nhà nước đứng ra phân xử các tranh chấp khi xảy ra.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin: