Đánh thuế tỷ phú toàn cầu có thể thu về 250 tỷ USD mỗi năm

Admin
Một báo cáo nói rằng việc áp thuế tối thiểu lên giới tỷ phú toàn cầu - nhóm hiện có khoảng 2.700 người - sẽ chỉ khiến nhóm này phải nộp số tiền thuế hàng năm tương đương 2% tổng lượng tài sản ròng 13 nghìn tỷ USD mà họ đang nắm giữ...

 Tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay Elon Musk - Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ các quốc gia nên mở một mặt trận mới trong cuộc chiến chống trốn thuế trên toàn cầu, bằng cách đưa ra một mức thuế tối thiểu đánh vào các tỷ phú - một báo cáo công bố ngày 23/10 của tổ chức EU Tax Observatory kêu gọi, cho rằng việc đánh thuế như vậy sẽ mang về số tiền 250 tỷ USD mỗi năm.

Theo hãng tin Reuters, báo cáo trên nói rằng việc áp thuế tối thiểu lên giới tỷ phú toàn cầu - nhóm hiện có khoảng 2.700 người - sẽ chỉ khiến nhóm này phải nộp số tiền thuế hàng năm tương đương 2% tổng lượng tài sản ròng 13 nghìn tỷ USD mà họ đang nắm giữ.

EU Tax Observatory là một tổ chức chuyên nghiên cứu về thuế, thuộc Trường Kinh tế Paris.

Hiện nay, mức thuế mà cá nhân các tỷ phú trên thế giới phải đóng thực chất thấp hơn rất nhiều so với mức thuế mà những tầng lớp có thu nhập khiêm tốn phải đóng. Đó là bởi các tỷ phú có thể cất tài sản của họ trong các công ty trong các công ty vỏ bọc (shell company) - những doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì, được đặt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế siêu thấp - nhằm tránh thuế thu nhập, theo báo cáo về tình trạng trốn thuế trên toàn cầu 2024 Global Tax Evasion Report của EU Tax Observatory.

“Theo quan điểm của chúng tôi, điều này là khó chấp nhận vì có nguy cơ xói mòn tính bền vững của các hệ thống thuế và mức độ chấp nhận của xã hội đối với việc đánh thuế”, Giám đốc Gabriel Zucman của EU Tax Observatory nói với các nhà báo.

Mức thuế thực tế đánh vào cá nhân các tỷ phú ước tính chỉ gần 0,5% ở Mỹ, và có thể chỉ 0% ở Pháp - một quốc gia có thuế cao.

Tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia đang làm dấy lên lời kêu gọi về việc tầng lớp giàu nhất cần gánh vác thêm gánh nặng thuế, trong bối cảnh nền tài chính công phải đương đầu với hàng loạt vấn đề như dân số lão hoá, nhu cầu ngân sách khổng lồ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và việc trang trải các khoản nợ phát sinh trong thời đại dịch Covid-19.

Kế hoạch ngân sách năm 2024 của Tổng thống Mỹ Joe Biden từng bao gồm kế hoạch đánh thuế tối thiểu 25% đối với tầng lớp 0,01% giàu nhất của nước này. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã rơi vào quên lãng khi các nhà làm luật ở Washington bận tâm hơn với mối nguy chính phủ đóng cửa và những thời hạn ngân sách mà họ phải vượt qua.

Việc phối hợp đánh thuế lên tầng lớp tỷ phú trên toàn cầu có thể đòi hỏi thời gian nhiều năm mới có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, EU Tax Observatory đã dẫn chứng việc các quốc gia đã đạt được thành công lớn trong nỗ lực nhằm chấm dứt sự thiếu minh bạch trong hệ thống ngân hàng và giảm bớt cơ hội để các công ty đa quốc gia dịch chuyển lợi nhuận sang các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức thuế thấp.

Theo báo cáo, việc triển khai cơ chế chia sẻ tự động thông tin tài khoản vào năm 2018 đã giúp giảm lượng tài sản cất giữ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế thấp (tax haven) còn 1/3 so với trước. Một thoả thuận năm 2021 giữa 140 quốc gia sẽ hạn chế khả năng các công ty đa quốc gia “né” thuế bằng cách chuyển lợi nhuận tới các quốc gia có thuế thấp, thông qua thiết lập một mức thuế sàn 15% toàn cầu đối với thuế doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2024.

“Có những việc mà trước đây nhiều người cho là không thể làm được, bây giờ chúng ta biết thực ra có thể làm được. Bước đi hợp lý tiếp theo là áp dụng logic đó với các tỷ phú, chứ không riêng gì các công ty đa quốc gia”, ông Zucman nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh thiếu vắng một nỗ lực mang tầm quốc tế nhằm đánh thuế tối thiểu đối với các tỷ phú, “một liên minh các quốc gia sẵn sàng hành động” có thể đi đầu.

Việc chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch trong hệ thống ngân hàng và áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu nhập doanh nghiệp đã chấm dứt quãng thời gian cạnh tranh bằng thuế suất kéo dài nhiều thập kỷ giữa các quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp và các cá nhân giàu có giảm số thuế phải đóng - báo cáo nhận định. Chẳng hạn, người giàu đang đổ tiền vào bất động sản ngày càng nhiều thay vì cất trong tài sản ở nước ngoài, trong khi doanh nghiệp vẫn có thể khai thác những lỗ hổng trong thuế suất tối thiểu 15%.

Trong khi đó, các quốc gia đang cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nhiều hơn thông qua các khoản trợ cấp, nhưng cách này ít gây tổn thất về thuế hơn là chỉ cạnh tranh bằng mức thuế thấp - báo cáo nhận định.

Tác giả: Điệp Vũ

Nguồn tin: vneconomy.vn