Như tin đã đưa, dù chỉ chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 12 nhưng Đà Nẵng cũng chịu nhiều thiệt hại, đặc biệt là về cảnh quan đô thị. Trong khi chỉ còn hơn 1 ngày nữa là bắt đầu Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự xuất hiện của hơn 10.000 đại biểu là lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, các doanh nghiệp, doanh nghiệp, báo chí quốc tế…
Anh CSGT đuổi theo tấm biển báo bị gió giật bung ra, thổi lăn lôn lốc rồi đem về cột vào trụ biển báo giao thông, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường (Ảnh: HC) |
Nhiều cây xanh đô thị bật gốc, gãy đổ, rất nhiều hoa trên các bùng binh, dải phân cách, vỉa hè… bị gió lớn đánh tơi tả. Hàng loạt hàng rào, pa nô được dựng lên để che chắn các lô đất trống đầy cỏ lác… trên các tuyến đường trọng điểm mà các đại biểu APEC sẽ đi qua bị gió quật cho sập đổ, rách nát. Nhiều băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng trên nhiều tuyến đường ven biển bị gió xé rách tơi tả…
Những nỗ lực suốt hàng tháng qua chứ không chỉ ngày một, ngày hai của các lực lượng chức năng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị Đà Nẵng để sẵn sàng đón khách quý từ khắp nơi trên thế giới đổ về đã bị thiên tai gây hư hại nặng nề, tuy chưa đến mức bị hủy hoại hoàn toàn nhưng rõ ràng đã khiến diện mạo TP bị méo mó. Không chỉ không giữ được vẻ đẹp vốn có mà nhiều nơi thậm chí còn trở nên nham nhở, xấu xí…
Trước tình hình đó, ngay trong sáng 4/11, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã hủy cuộc họp đánh giá tình hình đầu tư xây dựng cơ bản để cùng Giám đốc các Sở Xây dựng, GTVT… trực tiếp đến khu vực ven biển chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại. Đặc biệt là yêu cầu các lực lượng chức năng nhanh chóng chỉnh trang các tuyến đường phục vụ APEC 2017.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các lực lượng chức năng thì có lẽ khó hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong khi quỹ thời gian còn lại quá ngắn, chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 ngày nữa là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu!
Để giải được bài toán khó này, trên FB cá nhân của mình, nhà báo Trương Duy Hòa (VTV 8) đưa ra đề xuất: “Cần có lời “hiệu triệu” toàn dân Đà Nẵng “xuống đường” khi mưa gió đã ngớt. Các doanh nghiệp, cơ quan, công sở và nhà dân, mỗi người một tay, dọn dẹp vị trí trước và xung quanh nhà mình thì may ra mới kịp. Chứ chỉ Công ty Môi trường Đô thị xử lý thôi thì e rằng không nổi đâu!”.
Đề xuất của nhà báo Trương Duy Hòa làm chúng tôi nhớ đến một hình ảnh được chứng kiến khá đột xuất về một anh CSGT ở vòng xoay Phạm Văn Đồng – Hồ Nghinh sáng 4/11, khi chúng tôi đang trên đường chạy xuống các tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa ghi lại cảnh tượng “phá phách” của hoàn lưu bão số 12.
Khi đó, tại vòng xoay này có hai anh CSGT này đang làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện ô tô, xe máy rẽ qua hướng khác chứ không đi xuống khu vực trước Công viên Biển Đông nhằm đảm bảo an toàn cho các lực lượng chức năng đang tập trung xử lý các cổng chào trên đường Võ Nguyên Giáp bị gió lớn đánh sập.
Bất ngờ có tấm biển báo giao thông bằng sắt bị gió làm bung ra, cuốn lăn lôn lốc trên mặt đường. Một trong hai anh CSGT liền đuổi theo một đoạn khá dài, chụp lại tấm biển báo đó. Do quá đột xuất nên chúng tôi chỉ kịp nhìn mà không thể kịp ghi lại cảnh anh CSGT đuổi theo tấm biển báo. Rất may sau đó anh CSGT đem tấm biển báo về cột vào một trụ biển báo giao thông trên dải phân cách đường Phạm Văn Đồng, nên chúng tôi mới chụp lại được tấm hình.
Như trên đã nói, nhiệm vụ của anh CSGT là hướng dẫn các phương tiện không đi vào khu vực trước Công viên Biển Đông; còn việc nhặt tấm biển báo giao thông bị bung ra và bị gió cuốn lăn lông lốc trên đường là việc của... bên ngành giao thông. Nhưng anh CSGT đã không nề hà chuyện đó!
Nhờ vậy mà miếng sắt – tấm biển báo giao thông đã được thu lại kịp thời. Nếu chờ lực lượng của bên giao thông, biết đâu nó lại chẳng trở thành một vật hết sức nguy hiểm nếu bị gió cuốn va vào người, xe trên đường.
Từ chuyện của anh CSGT nhân rộng ra, nếu mỗi người dân Đà Nẵng đều thấy việc khắc phục hậu quả của bão số 12, đảm bảo mỹ quan cho đô thị không chỉ là việc của các đơn vị hữu quan mà còn là việc của chính mình, qua đó thể hiện sự hiếu khách, trọng thị đối với quan khách quốc tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, thì có lẽ thời hạn 1 ngày cũng không phải là quá ngắn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trụng bộ, từ chiều 4/11, sau khi đi sâu vào đất liền phía Nam Tây Nguyên, bão số 12 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại Đà Nẵng, ngày mai sẽ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, tuy nhiên từ chiều 4/11 thì sức gió đã giảm xuống còn cấp 4 - 5, và tất nhiên đến ngày mai sẽ còn tiếp tục giảm. Hay nói cách khác, mức độ nguy hiểm hầu như không còn đáng kể.
Cách đây đúng 1 tuần, hơn 3.000 người Đà Nẵng đã tham dự lễ phát động ra quân cấp TP thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp” hưởng ứng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Vậy thì ngày mai, Chủ nhật – 5/11, là dịp để người Đà Nẵng chuyển hóa từ “lễ phát động” thành hành động thực tiễn.
“Mình tin nếu có lời kêu gọi chính thức, chân thành và trách nhiệm, người dân Đà Nẵng (như bao lâu nay vẫn thế) sẽ luôn sẵn sàng hy sinh vì cái chung. Và nếu làm được, đây sẽ lại là một kỳ tích mà qua đó, người Đà Nẵng có thể ngẩng cao đầu, càng thêm hãnh diện và tự hào. Trong hoạ có phúc, “nguy nan mới tỏ mặt anh hùng”. Biết đâu cái xui do thiên tai này lại là cơ hội lớn để lấy lại thanh danh vốn đã bị “sứt mẻ” ít nhiều trong thời gian gần đây!” – Nhà báo Trương Duy Hòa viết trên trang FB của mình.
Chúng tôi cũng tin như vậy! Và cũng tin rằng, thậm chí nếu không kịp có lời “hiệu triệu” chính thức đi nữa thì mỗi cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng sẽ tự biết phải làm gì để góp phần làm cho diện mạo TP của mình trở nên khang trang, sạch đẹp nhất có thể. Qua đó gửi đi thông điệp rằng sự tin tưởng của Trung ương đối với Đà Nẵng là có cơ sở, và người dân TP này hoàn toàn xứng đáng thay mặt cả nước để chào đón quan khách APEC 2017!