ĐBQH đề nghị làm rõ thế nào là "thật cần thiết" khi thu hồi đất

Admin
Theo ĐBQH, Luật Đất đai cho phép thu hồi đất quá rộng, có những điểm còn nhập nhằng giữa lợi ich kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng…

ự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, theo chương trình kỳ họp, ngày 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) cho biết, Luật Đất đai có nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp và người dân đang sử dụng đất hoặc có nhu cầu sử dụng đất… Vì thế, không những liên quan tới lợi ích mà còn là điều kiện cho xã hội phát triển, là nguồn lực to lớn cho đất nước phát triển.

Vì vậy, có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, nên các ĐBQH sẽ cho nhiều ý kiến về dự thảo Luật, lắng nghe ý kiến của cử tri.

“Vì tầm quan trọng của dự án Luật này, nên Quốc hội dự kiến lấy ý kiến qua 3 kỳ họp rồi mới thông qua”, ông Nghĩa cho hay.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Theo ông Nghĩa, việc sửa đổi Luật Đất đai nổi lên một số vấn đề, trong đó vấn đề là quyền lợi của nhân dân, trong đó là thu hồi đất.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, Luật Đất đai 2013 chưa thể hiện được hết tinh thần của Hiến pháp, trong Hiến pháp có một điều quy định ”thu hồi đất phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích xã hội và lợi ích công cộng, nhưng thu hồi đất trong những trường hợp thật cần thiết”.

Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng trong Luật Đất đai 2013 chúng ta chưa triển khai, chưa cụ thể hóa được tiêu chí thật cần thiết là như thế nào. Bởi thế, Luật Đất đai cho phép thu hồi quá rộng, có những điểm còn nhập nhằng ví dụ như kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng…

“Chúng ta cho rằng chợ, nghĩa trang, dự án nhà ở thương mại… cũng là lợi ích công cộng, phục vụ cho rất nhiều người có nhu cầu, có nhà ở. Nhưng, tinh thần của Hiến pháp là kinh tế xã hội vì lợi ích công cộng có nghĩa là không có lợi nhuận, không có lợi ích của tư nhân, phải xác định, cụ thể hóa được bằng luật cụm từ “thật cần thiết”. Vì thế, lần này tôi sẽ tiếp tục phát biểu ý kiến này trong phiên toàn thể tại hội trường”, đại biểu đoàn Tp.HCM bày tỏ.

 Ngày 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề cải cách thủ tục hành chính về đất đai, đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thủ tục hành chính về đất đai là một trong những thủ tục không dễ dàng và thường là sẽ là rào cản.

Sửa Luật Đất đai lần này nếu không giải quyết được "điểm nghẽn" này để tạo ra những cải cách đột phá thủ tục về đất đai thì không đạt được mục tiêu đề ra.

“Về nhóm vấn đề này, tôi kỳ vọng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ điều kiện một cách hợp lý, rút ngắn thời gian giấy tờ. Kỳ vọng lớn hơn ở Luật lần này, tôi mong chúng ta đừng đứng riêng một góc nhìn đơn thuần từ Luật Đất đai mà nhìn tổng thể một chuỗi các thủ tục nhìn từ góc độ của doanh nghiệp khi triển khai một dự án đầu tư.

Nghĩa là cần cải cách thủ tục hành chính trong Luật Đất đai sao cho Luật trở thành một bộ phận thủ tục hợp lý, đơn giản, hài hòa với các thủ tục khác về đầu tư xây dựng”, ông Hiếu bày tỏ.

Thiếu nhà ở vừa túi tiền dưới 2 tỷ đồng

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11. Các ĐBQH đều nhấn mạnh, đây là một dự án Luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của nhà nước và người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM (đoàn Tp.HCM), nhấn mạnh số liệu thống kê cho thấy các dự án về bất động sản phân khúc cao cấp và trung cấp hiện rất nhiều trong khi người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở “vừa túi tiền” - dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội.

Điều này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế (là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị).

Theo bà Lệ, việc xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai 2013, cùng với đó các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển song có nơi chưa được để tâm nâng cao đổi mới.

Đại biểu đoàn Tp.HCM cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi.

Cụ thể, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cần được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở, không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.

“Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung-cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó có thể kiểm soát được giá đất trên thị trường đồng thời ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, tham nhũng đất đai đang hiện hữu trong đời sống,” bà Lệ nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất cần xem là tâm điểm quan trọng. Theo đó, Ban soạn thảo cần tập trung toàn lực nghiên cứu và tìm ra giải pháp gỡ rối.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn