ĐBQH: Từ vụ gian lận điểm thi THPT, ngành Giáo dục cần thay đổi căn bản

Admin
Liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT xảy ra ở Hà Giang, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, ngành Giáo dục cần thay đổi căn bản.

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, từ kết quả bất thường của kỳ thi THTP Quốc gia năm 2018 được xuất lộ ở Hà Giang có dấu hiệu lan ra các địa phương khác, cho thấy nhiều kẽ hở và nghịch lý trong thi tuyển hiện nay chưa được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Vị Đại biểu Quốc hội này cho rằng, phương pháp thi trắc nghiệm là một phương pháp khoa học, nhưng không phải trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng đúng, nhất là khi tính tự giác, thói “háo danh lợi” trong xã hội vẫn còn rất lớn và không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ: “Nếu theo dõi sát tâm lý xã hội những ngày qua sẽ thấy hầu hết các ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân đều bất bình, thậm chí phẫn nộ với việc làm tày đình của Vũ Trọng Lương. Và trên nữa, là trách nhiệm của bộ GD&ĐT cùng với người đứng đầu, phụ trách các cơ quan hữu quan khác.

Rõ ràng, những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi THPT năm nay đã trở thành vấn đề quốc gia đại sự, là một nỗi lo rất lớn của toàn dân, không thể không khắc phục một cách triệt để…

Việc này nhất định phải được chỉnh đốn nghiêm túc bởi luật pháp và không thể chậm trễ, với thưởng - phạt nghiêm minh. Những giáo viên và những ai đã phát hiện, dũng cảm tố cáo sai phạm này phải được trọng thưởng và tôn vinh. Hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi lần này nhất định phải bị trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật. Đó mới thực là kỷ cương, phép nước!”.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Internet).

Ông Lê Thanh Vân phân tích thêm: “Đương nhiên, vi phạm pháp luật phải bị trừng trị đích đáng. Nhưng, sửa chữa những sai lầm từ cơ chế, chính sách sau khi phát hiện ra, để ngăn chặn mọi sai lầm có thể tiếp diễn, mới thực sự là kỳ vọng của nhân dân trong lúc này. Điều quan trọng là phải tổng kết, đánh giá thực trạng một cách nghiêm túc, chí thành và đưa ra được giải pháp tường minh, bền vững.

“Nhân vô thập toàn”! Một cá nhân cũng có thể từng mắc sai lầm, nhưng nhận ra sai lầm, coi đó là bài học nhớ đời để sửa chữa mới thực là giá trị cốt lõi của nhận thức tiến bộ và lòng quả cảm hy sinh, mà không phải ai cũng có thể làm được. Một con người, hay một tổ chức cũng vậy!”.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, mong muốn của nhiều người dân lúc này chính là sự dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến hậu quả ở kỳ thi THPT năm nay, đặc biệt trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục.