Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật giáo dục hiện hành sau 12 năm thực hiện.
Ông Nhạ khẳng định, một số nội dung của Luật Giáo dục đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 1 mục và 3 điều mới, thay thế hoặc bãi bỏ một số thuật ngữ để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, hiện nay nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi. Số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm khá lớn, hoặc làm không đúng ngành nghề đã được đào tạo, gây lãng phí nguồn lực sư phạm.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần phải đóng học phí như các ngành học khác.
Giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra là cho học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Theo đó, Chính phủ cần có quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi điều 105 về chính sách thu học phí theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Trong đó quy định rõ, học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo .
"Giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phi quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo” - dự thảo viết.
Điều 71 quy định về chức danh Giáo sư, phó giáo sư được đề xuất sửa đổi như sau:
"Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.”
Trong điều 25 quy định về cơ sở giáo dục mầm non, Bộ đề xuất sửa đổi việc các trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo được phép nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Góp ý về đề xuất cho sinh viên sư phạm vay tín dụng sư phạm, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, khái niệm này “hơi có vấn đề”.
Ở điều 71 quy định về chức danh GS, PGS, ông Giàu cho rằng nếu khái niệm đưa ra như thế này thì hiện nay nhiều hồ sơ không đạt tiêu chuẩn.
Bàn về quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi ở các trường mầm mon, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội - nhận xét, trên thực tế, các cơ sở công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng, có nơi 12 tháng. Để nhận trẻ từ 3 tháng trở lên cần phải đánh giá tác động, vì để thực hiện được điều này chi phí sẽ lớn.
Ngoài ra, góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, bà cho rằng hiện nay trong Luật chưa có quy định nào để xử lý trong trường hợp giáo viên bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể.
Mặc dù điều 81 về chính sách tiền lương của nhà giáo không được Bộ GD-ĐT đưa vào danh sách sửa đổi, bổ sung của dự thảo, nhưng ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng dân tộc đã đề xuất:
“Trong Nghị quyết 29 có nêu rõ lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chứ không phải thuộc nhóm cao nhất. Để thể chế hoá NQ29, tôi cho rằng cần xem xét sửa đổi điều 81 về tiền lương của nhà giáo để khẳng định rằng lương nhà giáo cần được xếp cao nhất trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp. Cần nghiên cứu việc này để đưa vào điều luật” - ông Chiến khẳng đinh.
Nhận xét về sửa đổi trong điều 4: "Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa làm rõ được khái niệm, các đặc trưng, phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở cũng như chưa làm rõ cơ chế, quy trình và cách thức tổ chức quản lý trong liên thông và trong phân luồng.