Đề xuất tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, UBND cho Tp.Hải Phòng

Lan Anh
Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng sẽ tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND và thành lập Ban Đô thị của HĐND Tp.Thủy Nguyên

Không tổ chức HĐND quận, phường

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng.

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND Tp.Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận.

pham-thi-thanh-tra-1-1730345236.jpg

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Media Quốc hội).

Để bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các Ban của HĐND Thành phố.

Để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, toàn diện các công việc của UBND quận, phường trong điều kiện không còn HĐND quận, phường, dự thảo Nghị quyết quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND quận có không quá 3 người; số lượng Phó Chủ tịch UBND phường không quá 2 người.

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã định hướng: "Xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố".

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Tp.Thủy Nguyên thuộc Tp.Hải Phòng tại Tờ trình số 596 ngày 4/10/2024.

Thành phố được định hướng là trung tâm hành chính, chính trị mới của Tp. Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm logistic tài chính của vùng duyên hải Bắc Bộ, là động lực phát triển của Tp.Hải Phòng và khu vực Bắc Bộ.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả của một đô thị có vai trò, chức năng đặc biệt, khác với các quận, huyện khác của Tp. Hải Phòng và không tổ chức HĐND ở các phường thuộc thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND và thành lập Ban Đô thị của HĐND Tp.Thủy Nguyên.

Tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị của HĐND Tp.Thủy Nguyên (có 2 Phó Chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách).

Về cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện.

Việc bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức và theo thẩm quyền, phân cấp quản lý.

Các quy định nêu trên tương đồng với quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hồ Chí Minh và Tp.Đà Nẵng.

Bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND Thành phố như thể hiện tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.

hoang-thanh-tung-2-1730345296.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định về việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường tại thành phố Hải Phòng mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính là chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Do đó, đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để quy định phù hợp với quy mô, tính chất và định hướng phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng.

Về HĐND, UBND Tp.Thủy Nguyên, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc dự thảo Nghị quyết quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Tp.Thủy Nguyên là phù hợp.

Đối với các nội dung cụ thể về HĐND, UBND Tp.Thủy Nguyên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định tại các điều này để bảo đảm đầy đủ, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị được lựa chọn.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo Nghị quyết theo hướng khái quát, có tính đến khả năng sẽ thành lập thị xã thuộc thành phố Hải Phòng trong các năm sắp tới để khi thành lập thị xã và các phường trực thuộc thì cũng được thực hiện mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND phường) mà không cần phải chờ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này.