Ngày 2/10, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”.
Nhiều điều cần suy ngẫm
Sau hơn 20 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ” tại phố cổ Hội An đã phát huy giá trị, trở thành một sản phẩm du lịch - văn hóa nổi bật của di sản. Lượng khách đến với “Đêm phố cổ” ngày càng đông, kèm theo nhu cầu mua sắm, dịch vụ tăng cao.
Hội An tổng kết 20 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ Hội An” |
Đề án “Đêm phố cổ” đã được Hội An thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 8/9/1998 với các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của Hội An xưa. Ví dụ như chơi bài chòi, đập nồi, hò khoan đối đáp, chợ đêm, thả đèn trên sông…
Trong 20 năm qua, Hội An đã định kỳ tổ chức 230 “Đêm phố cổ”, 81 “Đêm phố cổ” đột xuất thu hút hơn 1 triệu lượt tham quan của du khách trong và ngoài nước. Đề án và cũng là sản phẩm Văn hóa - du lịch “Đêm phố cổ” đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch văn hóa Hội An.
Hô hát bài bài chòi: Món ăn tinh thần không thể thiếu của du lịch Hội An |
Theo thống kê của TP Hội An, vào thời điểm hoạt động của “Đêm phố cổ” thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng lên rõ rệt (262,7%). Các công ty du lịch lữ hành cũng đã đưa chương trình này vào tour tham quan của mình.
“Đêm phố cổ” đã góp phần quan trọng cho các danh hiệu, giải thưởng các tổ chức du lịch, tạp chí, các tờ báo danh giá bình chọn cho Hội An như: “Thành phố lễ hội”, “Hội An, top 15 thành phố được yêu thích nhất thế giới”… Đến nay, 82 “Đêm phố cổ” được tổ chức đột xuất để phục vụ các đoàn khách đối ngoại quan trọng của tỉnh và thành phố, các hội nghị, hội thảo quốc tế…
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Chính quyền và nhân dân Hội An đã làm tốt công tác tổ chức, bảo tồn các giá trị văn hóa tại “Đêm phố cổ”. Thu hút sự quan tâm của các hãng truyền thông lớn, để lại nhiều dấu ấn, tiếng thơm cho phố cổ. “Đêm phố cổ” cũng là một trong những yếu tố góp phần cho việc Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bài chòi Hội An trong “Đêm phố cổ” cũng là một trong những tác nhân góp phần cho việc công nhận bài chòi là Di sản phi vật thể của nhân loại…”.
Hô hát bài bài chòi: Món ăn tinh thần không thể thiếu của du lịch Hội An |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách đến thưởng lãm “Đêm phố cổ” ngày càng tăng trong khi sự hưởng ứng của một số hộ dân có phần giảm sút. Những điều này dẫn đến chất lượng hoạt động “Đêm phố cổ” giảm sút, công tác vệ sinh trên một số tuyến phố chưa sạch, có hiện tượng không niêm yết giá, tình trạng chèo kéo khách mua hoa đăng vẫn còn diễn ra…
Việc sử dụng ngày càng nhiều trang thiết bị hiện đại làm cho không gian “Đêm phố cổ” bị nhạt nhòa; các điểm giữ xe phát sinh trong khu phố cổ thiếu sự quản lý; hiện tượng dắt xe máy ra khỏi khu phố cổ vẫn luôn diễn ra vào thời gian trước khi kết thúc hoạt động khoảng 30 phút…
Du khách tham quan phố cổ Hội An về đêm |
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An thừa nhận, có những cái ngay từ đầu rất ấn tượng mà những người thực hiện đã bỏ qua. Ví dụ như những người hoạt động, buôn bán cần phải mặc trang phục truyền thống, đặc biệt là ánh sáng trong khu phố cổ cũng cần phải quy định nghiêm ngặt. Thêm vào đó, khi nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân và du khách có nhiều thay đổi thì các nội dung hoạt động của đề án cũng cần phải được đổi mới, nâng tầm.
“Cuộc sống đương đại, nhu cầu của người dân và du khách trong khu phố cổ đã có những thay đổi nhưng mà chúng ta thiếu định hướng, thiếu hướng dẫn thì “Đêm phố cổ” sẽ nhạt nhòa. Do đó trước hết là bộ máy, xốc lại lực lượng. Tôi luôn mong muốn giá như “Đêm phố cổ” có thể quay lại như thuở xưa khi mọi thứ luôn đi vào nề nếp đúng chất một “Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” - ông Phùng nói thêm.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đêm phố cổ
Thực tế cho thấy, những năm gần đây các di tích tập thể trong khu phố cổ thường xuyên đóng cửa thiếu người sinh hoạt, vì thế một phần nội dung hấp dẫn của đề án đã giảm đi. Chất lượng nội dung của các nhóm hoạt động thiếu đổi mới, còn nặng về tính trình diễn nên chưa thực sự thu hút người xem.
Tôn vinh các tập thể-cá nhân đã có đóng góp cho sự thành công, duy trì đề án“Đêm phố cổ” |
Mặt khác, do tình hình giá cả thị trường ngày càng tăng, định mức chi thù lao hoạt động cho lực lượng nghệ nhân, cộng tác viên không theo kịp trượt giá nên chất lượng nghệ thuật cũng vì thế mà có phần không đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An cho hay, để “Đêm phố cổ” thực sự ấn tượng và có sự khác biệt, các cấp chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh “Quy chế kinh doanh buôn bán trong Khu phố cổ” và các yêu cầu của nội dung đề án.
Người dân trong khu phố cổ phải thấy được quyền lợi mình đang được hưởng từ sản phẩm “Đêm phố cổ” mà thành phố đang thực hiện và hưởng ứng một cách toàn tâm, toàn ý để “Đêm phố cổ” ngày càng trở thành một thương hiệu có giá trị.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - chia sẻ: “Chính quyền TP Hội An cần tìm ra những điểm hạn chế, bất cập còn tồn tại để tạo sự chuyển biến trong công tác thực hiện đề án. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm hoặc bớt, bố trí lại các hoạt động tại “Đêm phố cổ”. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, thực hiện tốt nội dung đề án đã đưa ra”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các công tác trong thực hiện Đề án, nâng cao ý thực cộng đồng- doanh nghiệp cùng chung tay giữ gìn, phát huy giá trị “Đêm phố cổ”. Sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, hình thức diễn xướng dân gian… đổi mới hấp dẫn, độc đáo phục vụ du khách.
Ngoài ra,đưa ra các chính sách về lương, hưởng đối với các nghệ nhân tham gia, tôn vinh các nghệ nhân đã đóng góp công sức cho Hội An đồng thời bồi dưỡng thêm các thế hệ mầm non. Tiếp tục tuyên truyền và lấy ý kiến nhân dân, các nhà nghiên cứu…để góp phần nâng cao chất lượng “Đêm phố cổ Hội An”.