Đến đại ngàn Pù Mát, thăm tộc người ngủ ngồi

Admin
Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Vườn quốc gia Pù Mát là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận năm 2007.

 Đi thuyền trên sông Giăng là một trải nghiệm thú vị khi đến Pù Mát

Vườn Quốc gia Pù Mát - “Kho báu” miền tây xứ Nghệ

Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho vườn quốc gia (VQG). Trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An, VQG Pù Mát được thành lập năm 2002, diện tích tự nhiên 194 nghìn ha, trong đó vùng bảo tồn 94 nghìn ha và vùng đệm 100 nghìn ha.

Thiên nhiên Pù Mát hoang sơ, kì bí như cái tên của nó và đây thực sự là điểm đến hấp dẫn với những người yêu thích thiên nhiên và du lịch sinh thái. VQG Pù Mát là bộ sưu tập khổng lồ các loài cây cỏ, hoa lá và thú quý hiếm: Từ những cây cổ thụ lâu đời đến những cây cỏ, rêu, địa y và các loại dây leo chằng chịt… Nhiều loài đã được đưa vào Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Tới đây, bạn đừng bỏ qua các thắng cảnh nổi tiếng như thác Khe Kèm, bãi Mỏ Vịt, suối nước Mọc hoặc dành một ngày tản bộ trong rừng săng lẻ, rừng cây lùn... để nghe hơi thở của thiên nhiên và hoa lá.

Từ xa nhìn lại, thác nước Khe Kèm thướt tha như mái tóc dài huyền bí của cô gái trong câu chuyện xưa người Thái ở đây vẫn kể. Đổ xuống từ độ cao 150m như một dải lụa trắng, người Thái còn gọi thác Khe Kèm là “bổ bố” - có nghĩa là dải lụa trắng. Còn cái tên thác Khe Kèm do những cán bộ quy hoạch dự án gọi lâu mà thành. Đây được coi là thác nước gần như nguyên sinh nhất Việt Nam là “máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ” mà ai cũng cảm nhận được không khí mát lạnh và tươi mới khi tới đây.

Đến Pù Mát, hãy ghé chân một số dấu tích lịch sử như: Bia Ma Nhai, nơi gần 700 năm trước quân nhà Trần đã lập chiến công hiển hách khắc ghi chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm; hang ông Trạng, nơi hơn 600 năm trước, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan bị lưu đày...

Đi thuyền sông Giăng, khám phá tục ngủ ngồi của người Đan Lai

Ở Pù Mát, bạn sẽ thấy những con thuyền rẽ sóng ngược dòng sông Giăng êm đềm giữa điệp trùng những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Hãy trải nghiệm dịch vụ đi thuyền trên sông để cảm nhận sự nhỏ bé của con người giữa đại ngàn thiên nhiên hùng vĩ từ xã Môn Sơn. Sau đó, hãy lên bến Cò Phạt tìm hiểu về tộc người Đan Lai.

Vườn Quốc gia Pù Mát cách TP Vinh khoảng 130km. Nếu đi từ Hà Nội, bạn hãy bắt đầu bằng đường đi Tế Tiêu, sau đó tới Hòa Bình, rồi đi vào đường mòn Hồ Chí Minh. Hãy men theo đường Hồ Chí Minh tới khi gặp bảng hiệu đi Pù Mát.

Nếu di chuyển bằng ô tô khách, bạn có thể khởi hành từ bến xe Nước ngầm lúc 8h, xe sẽ tới thị trấn Con Cuông lúc 15 - 16h (nhà xe Hải Bình, xe Anh Dũng...). Bạn có thể nghỉ ngơi tại nhà khách thị trấn Con Cuông một đêm rồi sáng hôm sau khởi hành vào Vườn Quốc gia Pù Mát.

Người Đan Lai sống giữa một thung lũng ở thượng nguồn sông Giăng, giáp biên giới Việt - Lào, có tục ngủ ngồi từ xa xưa. Những người già kể lại, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc trước kia người Đan Lai thường xuyên phải chạy loạn, đối mặt với thú dữ và một phần vì cuộc sống thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc. Do đó, tục ngủ ngồi ăn sâu vào nếp sống của người dân nơi đây. Những đứa trẻ con vừa biết ngồi đã được người lớn dạy cách ngủ ngồi!

Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa mà còn có thể ngủ trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Trong những chuyến đi rừng vài ngày để săn bắn, họ thường trèo lên cây cao ngủ tránh thú dữ với điểm tựa là ba đoạn cây buộc vào nhau…

Chuyến đi sẽ trọn vẹn hơn nếu bạn dành thời gian trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Thái ở các bản như: Xiềng, Nưa, Yên Thành… để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo nơi đây: Từ những món đồ thổ cẩm thêu tay sặc sỡ sắc màu, những món ăn dân tộc truyền thống nhưng khá cầu kỳ của người Thái (như cơm lam, mọc hấp, xôi ngũ sắc, cháo chuối, gà nướng…) cho tới những điệu hát, điệu múa xòe, múa sạp quyến rũ…