Người ta làm đủ mọi cách để chống lại nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn nơi người đàn bà đáng sợ hơn người đàn ông nhiều lần. Bởi nó sâu thẳm, âm ỉ và dai dẳng như không dứt. Cô đơn sau một cuộc tình ở phái yếu có thể xem là một giai đoạn khủng hoảng tinh thần sâu sắc mà người trong cuộc luôn sợ phải đối mặt. Họ sợ phải đối diện với chính mình, sợ phải đương đầu với một “con ma” đến từ chính nơi họ sẽ dằn vặt và bủa vây họ bởi cảm giác một mình.
Người ta cô đơn ngay giữa ngôi nhà mình, giữa bao tiếng nói cười thăm hỏi, cô đơn ngay cả khi đang bên cạnh một người mang danh chồng mà không thể giãi bày cùng ai. Cảm giác ấy thật sự rất đáng sợ. Và đàn bà luôn tìm cách để vượt qua nó.
Nhưng đến tuổi nào thì mới hết cô đơn? Ai cũng mong có một lúc nào đó sẽ có thể mỉm cười an nhiên, không còn bị cô đơn ràng buộc và chi phối.
Đã là con người, nhất là khi nếm mùi tình yêu và khi đã trải qua cảm giác của sự chia ly, họ càng thấm thía cô đơn. Nhiều người còn không thể nào chịu đựng được cảm giác một mình, cảm giác bị bỏ rơi nên đã tự kết thúc cuộc sống của mình khi ai đó ra đi. Nhiều người tìm mọi cách để không phải sống một mình, không phải ngồi một mình bằng cách ngày đêm vùi đầu trong công việc. Hơn nữa, họ có thể đi nhậu nhẹt, chơi bời triền miên trong những cuộc tiêu khiển chỉ để xóa đi một hình bóng nào kia, chỉ để không phải ngồi một chốn gặm nhấm cảm giác lẻ loi.
Đàn bà khi cô đơn thường rất âu sầu. Họ chịu đựng nỗi đau khổ trong những ngày dài. Dẫu đàn bà đôi mươi, ba mươi hay bốn mươi, mấy ai không từng cô đơn, không từng thèm đến điên dại một vòng tay yêu thương. Nhưng nếu tình yêu ngọt ngào viên mãn bao nhiêu thì lại cay đắng bấy nhiêu khi tan vỡ. Nên ai cũng sợ nếu một ngày người kia cất bước ra đi, mình sẽ sống sao, sẽ biết bắt đầu như thế nào khi cuộc sống của bản thân họ đã trót liên quan tới một người khác.
Làm gì để trị được cô đơn? Chẳng gì khác chính là lấy cô đơn để trị cô đơn. Khi người ta đau khổ vì chia ly, khi người ta nếm trải mất mát sau mỗi cuộc tình hay mỗi cuộc hôn nhân, họ sẽ biết cô đơn có màu gì, có hương vị ra sao. Chắc chắn, một đàn bà ba mươi sau ly hôn, cô ấy đã từng cô đơn không thể tả hết và giờ đây lúc sóng gió xa rồi, cô sẽ không còn thấy cô đơn đáng sợ nữa. Nó chỉ như một chút dư vị tô thêm cho đời những trải nghiệm cần có. Dùng chính nỗi cô đơn quá khứ để điều tiết nỗi cô đơn trong hiện tại, đàn bà trải đời có lẽ ai cũng từng biết cách, phải không?
Đàn bà thông minh sẽ biết biến cô đơn thành bạn - Ảnh: Internet |
Một người đàn bà sẽ vô vị tẻ nhạt biết nhường nào nếu không từng có những ngày tháng sống trong cô đơn. Cô đơn như một bình trà đắng chát, khó uống ngay được. Nhưng khi uống vào rồi, sẽ thấy vị ngọt dai dẳng đeo bám phía sau. Đây chắc chắn là một cảm giác tuyệt vời.
Dù hai mươi hay năm mươi, bất kể lúc nào bạn cũng có thể thấy mình cô đơn đến cùng cực. Nhưng thái độ đối diện với cảm giác một mình ở mỗi độ tuổi là khác nhau. Hai mươi sẽ sợ cô đơn lắm, sẽ “khóc thét” như trẻ con nếu phải sống một mình quá lâu. Nhưng khi ba lăm, hay bốn mươi tuổi, cô đơn có là gì. Đời ta đã trải qua nhiều thăng trầm rồi. Cô đơn à, đến đây đi. Mình sẽ ngồi với nhau cà phê hoặc nhâm nhi chén rượu, để tự thưởng thức chính mình trong sự trưởng thành mới.
Hãy biết sống cô đơn. Hãy cho bản thân có một vài tháng ngày trong cảm giác một mình. Khi một mình, người ta sẽ trưởng thành nhanh hơn và trải nghiệm tốt hơn. Tất nhiên cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Đàn bà mà hiểu được cô đơn rồi sẽ không còn sợ nó nữa. Cũng như, nếu đàn ông nào chiếm hữu được một người đàn bà cô đơn, anh ta sẽ có tất cả.
Nhưng chỉ khi bạn bốn mươi, cô đơn mới thật sự không còn đáng sợ nữa.