Đi bộ khi đã sử dụng rượu bia có bị xử phạt?

Lan Anh
Nhiều người thắc mắc, đi bộ khi đã sử dụng rượu bia có bị xử phạt hay không và dưới đây là một số thông tin giải đáp.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt không quy định xử phạt người đi bộ đã uống rượu, bia tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ như vượt đèn đỏ, đi sai luật, có hành vi mất kiểm soát dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông... sẽ bị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm đó, không phân biệt người đi bộ này có sử dụng rượu, bia hay không.

uong-bia-1718958456.jpg

Đi bộ khi đã sử dụng rượu bia có bị xử phạt? Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Điều 9 Nghị định 100/2019 quy định:

1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này;

c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Ngoài ra, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nếu người đi bộ tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe 2 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.