Điểm nhấn đặc biệt trong Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2024

Lan Anh
Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2024 với quy mô hoành tráng, hiện đại đã để lại nhiều dấu ấn. Lần đầu tiên tại một lễ hội ở Việt Nam sử dụng xe cầu 50 tấn, chiều cao nâng hơn 40m để kéo lên mặt trăng, mặt trời khổng lồ… ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp.

Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2024 lần đầu tiên diễn ra tại quảng trường Trung tâm chính trị - hành chính TP Hải Phòng với quy mô hoành tráng, hiện đại đã để lại nhiều dấu ấn. Còn với Tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí- người đứng sau thành công của chương trình nghệ thuật khai mạc, Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng thành công đem đến niềm tự hào và xúc động.

“Chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc mang lại một không gian kết nối tuyệt vời giữa nghệ thuật và khán giả. Sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại không chỉ giúp chúng tôi kể lại câu chuyện về thành phố Hải Phòng một cách sống động, mà còn tạo ra những khoảnh khắc đầy cảm xúc và kỳ diệu”, đạo diễn Đặng Lê Minh Trí bày tỏ. Với Tổng đạo diễn chương trình, điều đặc biệt đáng nhớ là sự tham gia góp sức của gần 1.000 nghệ sĩ và diễn viên nổi tiếng trong đêm khai mạc.

le-hoi-hoa-phuong-do-1-1715991048.jpg

Với chủ đề Bừng sáng miền di sản, chương trình nghệ thuật khai mạc được đạo diễn Minh Trí cùng ê-kip tạo nên từ cảm hứng ánh sáng nội sinh. Đó là ánh sáng của một vùng đất cảng tươi đẹp, nơi có di sản thiên nhiên của thế giới, cùng với sự giao thoa giữa nhịp sống truyền thống và hiện đại.

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí dùng công nghệ hiện đại làm điểm nhấn chính, tạo nên những màn trình diễn ấn tượng, khác biệt. “Điểm khác biệt đầu tiên là yếu tố ấn tượng thị giác, khán giả được chiêm ngưỡng sự vận động liên tục của chuỗi hình tượng liên đới có cùng cấu tứ khởi nguồn từ ánh sáng là mặt trăng - hải đăng - mặt trời. Lựa chọn ánh sáng là chủ thể khai thác chính là nét riêng có của chương trình, mang các hình tượng xuất hiện đầy mãn nhãn trực tiếp với khán giả, trong đó có việc lần đầu tiên tại một lễ hội ở Việt Nam sử dụng xe cầu 50 tấn, chiều cao nâng hơn 40m để kéo lên mặt trăng, mặt trời khổng lồ… ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp”, tổng đạo diễn nói.

le-hoi-hoa-phuong-do-2-1715991099.jpg

Không gian biểu diễn là tòa nhà trung tâm chính trị - hành chính mới của Hải Phòng tạo điều kiện kết hợp được yếu tố “thực cảnh”, ứng dụng được nhiều thủ pháp thể hiện mới như chuyển động sân khấu 360, thay đổi hình ảnh liên tục trên các không gian tương hỗ xung quanh, dàn dựng được nhiều lớp diễn viên trên sân khấu trong những phần hoạt cảnh… Công nghệ trình diễn hiện đại như AR, Laser Mapping, Led Transparent Screen… cũng được tận dụng.

le-hoi-hoa-phuong-do-3-1715991134.jpg
le-hoi-hoa-phuong-do-4-1715991132.jpg

Tại chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội hoa phượng đỏ năm nay, hình ảnh hoa phượng- biểu tượng của thành phố được khắc họa theo cách “vừa lạ vừa quen”. Theo đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, không chỉ được sử dụng như biểu tượng hay mạch kết nối, hoa phượng được nhân cách hóa để trở thành chứng nhân lịch sử cũng như nét đẹp thời đại của mảnh đất Hải Phòng. “Sự sinh trưởng liên tục theo vòng đời của hoa, tương đồng với sự phát triển của một thành phố gần biển luôn căng tràn năng lượng nội sinh mạnh mẽ. Chương trình vẽ nên vẻ đẹp lung linh, kiêu hãnh của miền di sản bằng ánh sáng”, đạo diễn miêu tả.

dao-dien-dang-le-minh-tri-5-1715991161.jpg

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí

Thay vì đi theo những cách làm trước đây, ê-kíp tạo ra một không gian nghệ thuật sống động, nơi khán giả có thể trải nghiệm trực tiếp những câu chuyện lịch sử, văn hóa và những khát vọng của thành phố Hải Phòng thông qua các công nghệ hiện đại, kết hợp với những phần dàn dựng với những dụng ý cùng nét chấm phá đặc biệt. Cách làm này giúp những người làm chương trình kể lại câu chuyện một cách mới mẻ, đa chiều hơn, mang lại những phút giây đầy cảm xúc cho khán giả.