Điều gì thu hút, giữ chân nhà đầu tư ở đặc khu kinh tế?

Admin
“Tới Ả Rập Thống Nhất, câu hỏi đặt ra là điều gì tạo nên sức hấp dẫn? Ban đầu là ưu đãi về kinh tế, về lâu dài phải là ổn định chính sách, với một cơ quan tư pháp mạnh, tối đa về thẩm quyền, đủ năng lực giải quyết vấn đề phát sinh tại đặc khu”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nêu quan điểm.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Sáng 23/5, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Góp ý cho dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập đến nội dung dự thảo luật quy định tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu với các vụ án hình sự. Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử ở cấp tỉnh hiện nay sẽ chuyển xuống chính quyền đặc khu giải quyết, toà án đặc khu có quyền xử tội đến 15 năm tù. Theo bà Thủy, quy định như vậy là phù hợp.

Còn với khiếu kiện hành chính (người dân kiện chính quyền) thì dự luật lại quy định như hiện nay, nghĩa là mọi khiếu kiện của người dân với Chủ tịch UBND, HDND toà án đặc khu không có quyền xét xử mà do toà án tỉnh thụ lý. Bà Thuỷ đề nghị xem xét quy định này ở nhiều khía cạnh:

Thứ nhất, cùng với sự phát triển năng động của đặc khu sẽ phát sinh nhiều khiếu kiện hành chính tăng mạnh về giải phóng mặt bằng, đất đai… Dẫn thực tế từ năm 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, HĐND cấp huyện bị khiếu kiện tới toà tăng mạnh, như Phú Quốc tới 2 lần, trong khi dự luật chỉ tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu với dự án dân sự, không tăng thẩm quyền với toà án hành chính.

“Điều này dẫn tới thực tế, toà án đặc khu có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan tới bắt giữ tàu bay quốc tế - loại vụ việc rất phức tạp, trong khi lại không có quyền xử lý khiếu kiện hành chính với Chủ tịch UBND, HĐND hành chính đồng cấp với mình”, bà Thủy nói.

Thứ 2, theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, nếu lý do cho rằng việc giao cho toà án khiếu kiện Chủ tịch và UBND cùng cấp có thể ảnh hưởng tới tính vô tư khách quan thì sẽ không giải quyết được việc. Pháp luật cũng đang giao cho 63 toà án cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện với Chủ tịch UBND, HDND cấp tỉnh.

Thứ 3, quy định hiện hành chưa tiết kiệm chi phí tối đa đi lại của nhà đầu tư, người dân. Về điều kiện địa lý thì cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc. Nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án phúc thẩm giải quyết trong khi cả nước chỉ có 3 toà án cấp cao đặt tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, như thế sẽ rất khó khăn cho người dân, nhà đầu tư.

Thứ 4, khác với giải quyết vụ án dân sự có thể uỷ quyền cho luật sư tham gia thì Điều 60 Luật tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình xử lý vụ án, nếu uỷ quyền thì chỉ được uỷ quyền cho Phó chủ tịch. Hiện quy định này đang được đề xuất sửa đổi vì lý do quá neo người. Nếu lãnh đạo tỉnh tham gia đầy đủ các phiên toà sẽ ảnh hưởng tới điều hành ở địa phương, không tham dự đủ tại toà sẽ ảnh hưởng tới đối thoại, làm tăng bức xúc của người dân.

Thứ 5, so sánh giữa hành pháp và tư pháp còn khoảng cách lớn. Bà Thủy cho rằng, có 44 thẩm quyền thuộc tỉnh, 21 thẩm quyền từ Bộ, 8 thẩm quyền của Thủ tướng. Trong khi đó cơ quan tư pháp ở đặc khu không có quyền giải quyết khiếu kiện với Chủ tịch UBND, HDND đồng cấp với mình. Điều này sẽ vẫn tái diễn hiện tượng dồn án lên trên giải quyết.

“Tới Ả Rập Thống Nhất, câu hỏi đặt ra là điều gì tạo nên sức hấp dẫn? Ban đầu là ưu đãi về kinh tế, về lâu dài phải là ổn định chính sách, một cơ quan tư pháp mạnh, tối đa về thẩm quyền, đủ năng lực giải quyết vấn đề phát sinh tại đặc khu.

Chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi hỏi các nhà đầu tư vào đặc khu tại Trung Quốc: một hệ thống cơ quan tư pháp đủ thẩm quyền với cải cách tối đa thời hạn thủ tục tố tụng là căn cứ quan trọng thu hút, giữ chân nhà đầu tư”, bà Thủy viện dẫn và đề nghị Quốc hội giao cho cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện Chủ tịch UBND, HDND đồng cấp, điều này tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý.

Đề cập đến nguồn lực thực hiện, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, nguồn lực thực hiện cho các đặc khu cần 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, vai trò các thành phần kinh tế khác được phát huy, tuy nhiên theo bà Mai, với tính chất đặc thù, có những công trình dự án không thể thiếu được bàn tay của nhà nước. Vì vậy, bài toán đặt ra là phải đưa ra phương án tài chính, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mọi khoản chi phải có trong dự toán, phải đặt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cùng với đó, bà Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị cân nhắc trong việc ưu đãi chính sách thuế, để đảm bảo tính khả thi. Bà đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dịch vụ như casino, đặt cược chơi điện tử.

Tương tự, thuế thu nhập cá nhân, theo bà Mai, khuyến khích là cần thiết nhưng về bản chất có thu nhập phải chịu thuế, nếu miễn sẽ chưa phù hợp. Bà đề nghị nên giữ ở mức giảm 50% với nhà quản lý, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.