Điều kiện kinh doanh khắc nghiệt không chỉ đang bủa vây doanh nghiệp Việt Nam ở nền kinh tế hiện hữu mà còn "đi trước, đón đầu" ở nền kinh tế số. Bởi lẽ, trong khi cụm từ "cách mạng công nghệ 4.0" vẫn còn là khái niệm rất mới, thậm chí còn mơ hồ đối với nhiều doanh nghiệp, thì khung pháp lý đã đi trước một bước và có nguy cơ trở thành rào cản.
"Quản" rồi mới "mở"
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Điện toán Đám mây châu Á (ACCA), kinh tế số có thể giúp nền kinh tế Việt Nam tạo ra những bước phát triển nhảy vọt. Các ngành nghề truyền thống và phi truyền thống đều được hưởng lợi từ việc số hóa và cho phép sử dụng các luồng dữ liệu xuyên biên giới, từ đó tiết giảm được chi phí, thúc đẩy phát triển.
Thế nhưng, khung pháp lý của Việt Nam về các luồng dữ liệu xuyên biên giới lại chưa mở. Điều đó thể hiện ở quy định doanh nghiệp cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng phải có máy chủ ở trong nước để hỗ trợ yêu cầu kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; quy định cơ quan quản lý được thực hiện "các biện pháp kỹ thuật" khi cần (cho phép chính quyền truy cập các thông tin được mã hóa theo Luật An toàn thông tin mạng). Bên cạnh đó, chính sách liên quan tới thuế xuyên biên giới đang có xu hướng nghiêm ngặt hơn như việc quản lý các công ty kết nối dịch vụ đặt xe (Uber, Grab) và các cơ sở đặt khách sạn trực tuyến.
Xe ôm công nghệ đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, bình luận việc áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số như vậy là không phù hợp. Ví dụ, Uber, Grab kinh doanh vận tải nhưng không có phương tiện nào; Alibaba là công ty bán lẻ nhưng không có cái kho nào; Airbnb là dịch vụ đặt phòng, căn hộ nhưng không sở hữu phòng hay căn hộ nào... Nếu áp đặt tư duy truyền thống thì những loại hình nêu trên không bao giờ đúng quy định và không thể xuất hiện.
Là người có công lớn trong việc "vượt rào" đưa internet phổ cập ở Việt Nam, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), phân tích: 25 năm trước, Việt Nam từng "cả gan" đi vào công nghệ số để đến nay, internet, công nghệ của Việt Nam không thua bất kỳ quốc gia nào. Đó là nhờ tư duy "mở" đến đâu "quản" đến đó, tức là quản lý luôn đi sau phát triển. Thế nhưng, chính sách đang có xu hướng "quản" rồi mới "mở" và như thế thì rất đáng lo ngại.
Doanh nghiệp khó lớn
Theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro chính sách vẫn là một rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0. Khi yêu cầu về mặt quản lý trở nên khắt khe, các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới đang quan tâm đến Việt Nam sẽ cân nhắc khả năng tham gia thị trường. ACCV đã chỉ ra rằng Việt Nam có thể thiệt hại 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và tổn thất 1,5 tỉ USD giá trị phúc lợi tiêu dùng nếu hạn chế dòng dữ liệu xuyên biên giới, làm giảm cơ hội tiếp cận của doanh nghiệp mà cách mạng 4.0 đem lại.
Trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, vốn bình quân chỉ đạt 10 tỉ đồng/doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu ở thị trường trong nước, thiếu vắng những doanh nghiệp lớn và vừa thì cách mạng 4.0 được xem là một cơ hội rất lớn để tạo ra bước đột phá để vươn mình.
Chính phủ nhiều nước đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số nhằm bảo đảm sự tham gia kịp thời và tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế số có thể đem lại. Những kế hoạch này thường gồm các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển toàn diện các ngành công nghiệp tái tạo. Đây là kinh nghiệm để Việt Nam lựa chọn được chính sách phù hợp.